Trong báo cáo Điểm lại vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định dù môi trường bên ngoài còn nhiều thách thức, tăng trưởng của Việt Nam vẫn vững mạnh nhờ nhu cầu nội địa mạnh và sự năng động từ các ngành chế tạo, chế biến theo định hướng xuất khẩu.
Cơ quan này dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay vẫn là 6,8%, tương đương trong Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương hồi tháng 10. Tốc độ này cũng nhỉnh hơn mục tiêu của Chính phủ (6,7%) và cao hơn trung bình các nền kinh tế mới nổi tại Đông Á – Thái Bình Dương là 6,3%.
Dù vậy, sang năm 2019 và 2020, tăng trưởng của Việt Nam được dự báo giảm dần, về 6,6% và 6,5%. Đây cũng là xu hướng chung trên toàn cầu. Lạm phát cũng sẽ được duy trì tại 4% giai đoạn 2018 – 2020.
Ông Sebastian Eckardt - Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam đánh giá nền kinh tế vẫn đang duy trì tốt, với tốc độ tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 7% - cao nhất kể từ năm 2011. Hoạt động tại tất cả ngành đều khởi sắc, kinh tế vĩ mô ổn định, nhu cầu nội địa cao, cán cân thương mại đang cải thiện và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn dồi dào.
Các hiệp định thương mại gần đây, như CPTPP và EVFTA được kỳ vọng sẽ cải thiện niềm tin của nhà đầu tư vào Việt Nam. "Nhìn chung, triển vọng dành cho Việt Nam vẫn rất thuận lợi", ông Eckardt kết luận.
Dù vậy, WB cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong và ngoài nước. Do có độ mở cao, phụ thuộc lớn vào thương mại, Việt Nam sẽ chịu tác động trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, khiến nhu cầu hàng xuất khẩu giảm. Bên cạnh đó, việc các ngân hàng trung ương thế giới, đặc biệt là Mỹ, nâng lãi suất cũng có thể làm giảm dòng tiền đầu tư vào Việt Nam.
Còn trong nước, tốc độ cải cách doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng đang chậm lại, làm giảm triển vọng tăng trưởng. Hoạt động củng cố tài khóa cũng nên được tiếp tục thực hiện, chú trọng chất lượng, nâng cao hiệu suất chi tiêu và có biện pháp tăng thu.
"Các nhà hoạch định chính sách nên tận dụng lợi thế trong khi động lực tăng trưởng còn đang thuận lợi để đẩy mạnh cải cách cơ cấu, nhằm tăng cường đầu tư và tăng trưởng dựa trên khu vực tư nhân, song song với cải thiện hiệu suất đầu tư công", ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết.
Nhận định về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đến Việt Nam, ông Eckardt cho rằng "còn quá sớm để kết luận". Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc này, khi có hoạt động chuyển dịch thương mại. Trên thực tế, nhiều nhà máy đã chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. "Tuy nhiên, việc này đã diễn ra từ lâu, thuế nhập khẩu chỉ đẩy nhanh quá trình này mà thôi", ông cho biết.
Ngược lại, Việt Nam cũng có thể chịu tác động tiêu cực, do sự bất ổn mà cuộc chiến này tạo ra với thương mại và đầu tư toàn cầu. Ông Eckardt cho rằng Việt Nam cần duy trì chính sách tiền tệ có khả năng ứng phó, tỷ giá linh hoạt và bội chi ngân sách thấp để tăng khả năng chống chịu.
Trong khi đó, đánh giá về sức ép từ khả năng tăng giá điện lên lạm phát Việt Nam, WB cho rằng tác động của việc này sẽ không nhiều, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Cơ quan này không cho rằng nó có thể tạo ra cú sốc lạm phát lớn.
Hà Thu