Theo khung chính sách kinh tế Việt Nam tới năm 2035 vừa được Bộ Kế hoạch & Đầu tư công bố, Việt Nam đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt 6.500 USD vào năm 2030 và tăng lên 10.000 USD sau đó 5 năm, gấp 4 lần hiện tại. Với mức thu nhập bình quân này, Việt Nam sẽ trở thành nước thu nhập trung bình cao.
Quy mô tăng trưởng kinh tế (GDP) Việt Nam theo đó sẽ đạt 290 tỷ USD vào năm 2020. Con số này sẽ tăng lên 440 tỷ USD sau đó 5 năm rồi đạt 670 tỷ USD vào 2030 và đến 2035 sẽ là 1.050 tỷ USD.
Khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển và phát triển nhân lực, đổi mới sáng tạo tận dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 được coi là hai trong nhiều động lực mới trong mô hình tăng trưởng tới đây. Trong trung hạn Việt Nam đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp tư, góp 50% vào GDP năm 2020. Tỷ lệ đóng góp của khu vực này vào GDP sẽ tăng lên 60-65% sau đó 10 năm.
Cấu trúc xã hội đến năm 2035 cũng sẽ thay đổi lớn khi tỷ lệ dân số nghèo giảm còn khoảng 1% và hơn một nửa dân số Việt Nam tham gia tầng lớp trung lưu toàn cầu.
Các trọng tâm cải cách bao gồm hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân; xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; nâng cao hiệu quả kinh tế của đô thị hóa và phát triển lãnh thổ; thể chế hiện đại và Nhà nước hiệu quả. Phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo đảm công bằng và thúc đẩy hòa nhập xã hội.
Các động lực tăng trưởng được xác định là bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nhân lực và đổi mới sáng tạo; khu vực tư nhân phát triển...
Theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu lịch sử phải đổi mới, cải cách mạnh mẽ để tiếp tục phát triển, đi lên. Nếu không, chúng ta sẽ ngay lập tức bị tụt hậu so với thời đại. "Đây là thời điểm "vàng" bởi chúng ta đang đứng trước các cơ hội quý", ông nói.
Phát biểu trước các đối tác phát triển tại Diễn đàn Cải cách và phát triển sáng nay (5/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với tầm nhìn và khát vọng về một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045 - mốc lịch sử 100 năm độc lập, việc tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 30 năm tới tương đương với 30 năm qua không hề dễ dàng.
Tuy nhiên, Việt Nam luôn có khát vọng thịnh vượng, với mục tiêu sẽ gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập cao trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm, chia sẻ trở lại với cộng đồng quốc tế trong những thập niên tới.
"Chúng tôi có khát vọng trở thành nền kinh tế thịnh vượng, nhưng nhận thức rõ rằng con đường đi đến không bằng phẳng, sẽ có nhiều thách thức. Đó là những thách thức đến từ nội tại nền kinh tế và tác động lớn từ những biến động của kinh tế quốc tế", Thủ tướng nói.
Nhận thức rõ điều này nên thời gian tới Chính phủ hứa sẽ tăng tốc cải thiện thủ tục hành chính, xây dựng thể chế kinh tế sao cho các chủ thể kinh tế đều có quyền tham gia vào hoạch định kế hoạch phát triển và chính sách.
"Việt Nam sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng mềm, số hóa để chuyển đổi nền kinh tế sang số hóa, đổi mới cơ chế tuyển dụng, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, người tài để tận dụng Cách mạng Công nghệ 4.0 làm động lực tăng trưởng đất nước", Thủ tướng cam kết trước các nhà tài trợ.
Anh Minh