"Chưa bao giờ trong lịch sử y tế công cộng, miễn dịch cộng đồng được sử dụng như một chiến lược để ứng phó với một đợt bùng phát dịch", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros nói tại họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 12/10.
Ông thêm rằng nhân loại vẫn có quá ít thông tin về miễn dịch với Covid-19 để có thể biết liệu khả năng miễn dịch cộng đồng có đạt được hay không. "Việc cho phép một loại virus nguy hiểm mà chúng ta không hiểu rõ lây lan tự do chỉ đơn giản là phi đạo đức", Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh.
"Chúng ta có một số manh mối, nhưng chúng ta không có bức tranh hoàn chỉnh", Tedros nói, đề cập tới mức hiểu biết hiện nay về nCoV, lưu ý rằng WHO đã ghi nhận các trường hợp người dân bị tái nhiễm nCoV sau khi hồi phục từ đợt nhiễm virus ban đầu.
Ông giải thích dù hầu hết mọi người có khả năng phát triển một số loại phản ứng miễn dịch, vẫn chưa rõ thời gian tồn tại hoặc mức độ bảo vệ của kháng thể và những người khác nhau sẽ có phản ứng khác nhau.
"Khả năng miễn dịch cộng đồng đạt được bằng cách bảo vệ con người khỏi virus, chứ không phải bằng cách để họ phơi nhiễm với nó. Một số nhà nghiên cứu lập luận rằng việc cho phép Covid-19 lây lan trong các quần thể dễ bị tổn thương sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch cộng đồng và là một cách thực tế hơn để ngăn đại dịch, thay vì các biện pháp phong tỏa gây thiệt hại về kinh tế", ông nói.
Tiến sĩ Tedros cho rằng các quan chức y tế thường hướng tới việc đạt được miễn dịch cho người dân bằng cách tiêm phòng, và lưu ý rằng để có được khả năng miễn dịch cộng đồng với một bệnh truyền nhiễm mạnh như sởi, thì khoảng 95% dân số phải được tiêm chủng.
Hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19, sau khi dịch khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 12/2019, khiến hơn 38 triệu người nhiễm, gần 1,1 triệu người chết. WHO ước tính chưa đầy 10% dân số thế giới hiện nay đạt khả năng miễn dịch với nCoV ở các cấp độ khác nhau, có nghĩa là phần lớn người dân trên hành tinh vẫn trong khả năng bị lây nhiễm.
Mai Lâm (Theo AP)