Bộ trưởng Y tế Jens Spahn nhấn mạnh rằng chính phủ Đức không yêu cầu tiêm chủng bắt buộc sau khi có vaccine Covid-19.
"Chúng tôi cần 55-65% dân số tiêm vaccine để đạt cái mà chúng ta thường gọi là miễn dịch cộng đồng và tôi tin chắc rằng chúng tôi có thể đạt được nó một cách tự nguyện", ông Spahn nói trong buổi họp báo ở Berlin hôm nay.
Các nhà khoa học trên thế giới đang chạy đua phát triển vaccine ngừa Covid-19 hiệu quả và an toàn để ngăn chặn đại dịch giết hơn 930.000 người trên thế giới.
Như tại nhiều quốc gia khác, nhiều nhà hoạt động và theo thuyết âm mưu tại Đức phản đối bất kỳ loại vaccine ngừa Covid-19 nào. Đôi khi họ còn tham gia các cuộc biểu tình bài vaccine lớn trên đường phố. Tuy nhiên, khảo sát gần đây cho thấy phần lớn người Đức sẵn sàng tiêm vaccine.
Phát biểu tại cuộc họp báo trên, Bộ trưởng Nghiên cứu Anja Karliczek cho biết Đức không cho rằng sẽ có vaccine dùng rộng rãi cho người dân trước giữa năm 2021. Ước tính này tương đồng với đánh giá gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Karliczek khẳng định Đức và Liên minh châu Âu sẽ không mạo hiểm "đốt cháy giai đoạn" trong cuộc chiến này để phát triển loại vaccine hiệu quả và an toàn. Bà nói rằng chính phủ Đức đã chi 750 triệu euro (khoảng 890 triệu USD) cho ba công ty trong nước nghiên cứu và phát triển vaccine.
Hai công ty tiên tiến nhất của Đức trong lĩnh vực này, gồm CureVac và BioNTech, đang hợp tác với tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer, sẽ nhận lần lượt số tiền đầu tư là hơn 270 triệu USD và hơn 440 triệu USD. Các cuộc đàm phán với công ty thứ ba là IDT Biologika đang bước sang giai đoạn cuối. Theo thỏa thuận, công ty sẽ giữ lại 40 triệu liều cho Đức sau khi phát triển thành công vaccine.
Đức cũng đạt được hợp đồng 54 triệu liều vaccine với AstraZeneca và đang tiếp tục đàm phán nhiều hợp đồng khác.
Một khi vaccine được cấp phép, Bộ trưởng Spahn cho biết ông sẽ triển khai nó trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Ông cảnh báo rằng không phải tất cả người dân đều có thể tiêm vaccine ngay đợt đầu tiên, vì một số thách thức về mặt hậu cần đồng nghĩa vaccine sẽ được ưu tiên cho một số nhóm như người cao tuổi hoặc người làm việc ở tuyến đầu.
Đức từng được xem như hình mẫu chống dịch của châu Âu và thế giới nhờ chương trình xét nghiệm rộng rãi và truy vết lịch sử tiếp xúc hiệu quả. Tuy nhiên, quốc gia này vài tuần gần đây chứng kiến số ca nhiễm tăng trở lại. Giới chức y tế đã báo cáo 1.407 ca nhiễm mới hôm nay, nâng tổng ca nhiễm của quốc gia này lên hơn 260.000 người kể từ khi dịch bùng phát.
Thanh Tâm (Theo AFP)