"Thông điệp lộn xộn từ các lãnh đạo đang làm suy yếu yếu tố quan trọng nhất của bất kỳ lời kêu gọi nào: lòng tin", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên tại Geneva, Thụy Sĩ, hôm 13/7, song không nêu cụ thể lãnh đạo chính phủ nào.
Ông nói thêm rằng các chính phủ nên đưa ra những thông điệp y tế công cộng rõ ràng hơn và các cá nhân nên duy trì cách biệt cộng đồng, đeo khẩu trang, rửa tay và ở nhà khi họ có các triệu chứng của Covid-19.
Người đứng đầu WHO cũng cho rằng quá nhiều quốc gia đang đi sai hướng trong đại dịch Covid-19 và một số nước không thực hiện các bước thích hợp để ngăn chặn dịch lây lan. "Virus vẫn là kẻ thù chung số một, nhưng hành động của nhiều chính phủ và người dân không phản ánh điều này", ông Tedros nói, thêm rằng phản ứng của chính phủ và các cá nhân nên phụ thuộc vào các tình hình thực tế ở địa phương, cụ thể là nguy cơ lây lan của nCoV.
Phát biểu của Tổng giám đốc WHO được đưa ra một ngày sau khi tổ chức này ghi nhận kỷ lục về số ca nhiễm nCoV mới toàn cầu trong 24 giờ: hơn 230.000 ca, cao nhất kể từ khi dịch xuất hiện. Trong đó 10 quốc gia chiếm khoảng 80% báo cáo ca nhiễm mới hàng ngày hôm 12/7 và hơn một nửa số ca nhiễm mới ở Mỹ và Brazil, hai vùng dịch lớn nhất thế giới.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đầu tuần này khuyến cáo người dân đeo khẩu trang trong các cửa hàng của Anh, nhưng một ngày trước đó, một trong những bộ trưởng nội các hàng đầu của ông nói trên truyền hình rằng việc đeo khẩu trang không nên bắt buộc.
"Nếu không áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cơ bản, thì chỉ có một cách là để đại dịch này tiếp diễn", Tedros cảnh báo. "Nó sẽ trở nên tồi tệ và càng tệ hơn. Sẽ không có sự trở lại bình thường cũ trong tương lai gần", ông nói.
Lãnh đạo các nước như Mỹ, Brazil và Ấn Độ vẫn đang đối mặt với dịch, nhưng từ chối lời khuyên hoặc khuyến nghị từ các chuyên gia khoa học, cố vấn trong chính phủ và các đồng minh chính trị để có những hành động cứng rắn. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro thường xuyên đặt câu hỏi về lợi ích của các biện pháp phong tỏa và khẩu trang hầu như bị tránh xa.
Liên quan tới những tranh luận ở Mỹ về việc các trường học có thể mở cửa trở lại hay không, Giám đốc điều hành Chương trình Sức khỏe Khẩn cấp của WHO, Michael J. Ryan, cho rằng quyết định cần tính đến việc các trường có cơ sở chăm sóc sức khỏe dài hạn hoạt động. "Chúng ta phải đưa ra quyết định dựa trên lợi ích tốt nhất của con em chúng ta, gồm lợi ích về giáo dục và lợi ích về sức khỏe của chúng".
Tổng thống Mỹ Trump gây áp lực buộc các trường học, cơ sở giáo dục Mỹ, phải mở cửa trở lại vào mùa thu này và dọa sẽ cắt tài trợ cho những đơn vị không tuân thủ.
Tuy nhiên, WHO nhiều lần bị Mỹ cáo buộc là "con rối của Trung Quốc", thông đồng với Bắc Kinh che giấu mức độ nghiêm trọng của Covid-19. Washington trước đó tuyên bố ngừng cấp ngân sách cho tổ chức và đã ấn định ngày rời WHO vào 6/7/2021. Cả WHO và Trung Quốc đều bác bỏ những cáo buộc này, khẳng định đã minh bạch thông tin ngay từ đầu và kịp thời thông báo cho các nước.
Tedros, 55 tuổi, chuyên gia sốt rét người Ethiopia, năm 2017 trở thành người châu Phi đầu tiên được bầu làm tổng giám đốc WHO. Những người ủng hộ miêu tả ông tận tụy, lôi cuốn và thân thiện. Trong khi đó, những người chỉ trích nói rằng ông giống một chính trị gia hơn là quan chức y tế và có cái tôi quá cao. Ông Tedros năm 2017 cũng từng bị cáo buộc ba lần che giấu dịch tả bùng phát ở quê hương khi còn giữ chức Bộ trưởng Y tế Ethiopia.
Hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã xuất hiện Covid-19, sau khi dịch khởi phát vào tháng 12/2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc, khiến 13,2 triệu người nhiễm, hơn 575.000 người chết.
Mai Lâm (Theo AP)