Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ngày 8/7 đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống Donald Trump vì quy định mới tước visa của sinh viên quốc tế nếu chỉ học trực tuyến trong học kỳ mùa thu. Quy định mới của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) gián tiếp yêu cầu sinh viên phải tham gia lớp học trực tiếp, giữa lúc số ca nhiễm nCoV ở Mỹ không ngừng tăng, gây cản trở nỗ lực cung cấp chương trình học trực tuyến của nhiều trường đại học.
Vụ kiện đã cho thấy phản ứng nhanh chóng của các đại học Mỹ nhằm bảo vệ hàng nghìn sinh viên quốc tế giữa đại dịch. Đồng thời, nó cũng đánh dấu một chiến tuyến mới giữa Tổng thống Mỹ và các lãnh đạo ngành giáo dục về cách mở cửa trường học an toàn, giữa lúc Trump chạy đua tái tranh cử.
"Chúng tôi sẽ theo đuổi vụ kiện này tới cùng để sinh viên quốc tế của chúng tôi, cũng như của nhiều cơ sở đào tạo khác ở Mỹ, có thể tiếp tục học tập mà không bị đe dọa trục xuất", Lawrence S. Bacow, chủ tịch Đại học Harvard, nói.
Đại học Northeastern ở Massachusetts hôm 8/7 cũng tham gia vào vụ kiện, khi chủ tịch Joseph E. Aoun của trường này nói rằng quy định mới của liên bang "gây hỗn loạn cho sinh viên quốc tế và có thể khiến suy yếu giáo dục đại học Mỹ, một trong các thế mạnh nổi bật của quốc gia này".
Quy định mới của ICE được đưa ra một cách bất ngờ, khiến nhiều quan chức giáo dục đại học và sinh viên bị "sốc". Mặc dù sinh viên quốc tế trước đó đã được yêu cầu tham gia học trực tiếp thay vì trực tuyến, chính quyền Mỹ vẫn cho phép các trường học và sinh viên có thể linh hoạt lựa chọn cho tới mùa xuân này, sau khi Covid-19 buộc nhiều cơ sở giáo dục phải đóng cửa. Chính quyền Trump khi đó nói rằng hướng dẫn này sẽ có hiệu lực trong suốt giai đoạn khẩn cấp vì đại dịch ở Mỹ.
Do đó, trong khi giới chức đại học làm việc để hoàn thành các kế hoạch học tập vào mùa thu, nhiều người cho rằng sinh viên quốc tế vẫn được phép ở lại Mỹ dù không tham gia lớp học trực tiếp. Khi số ca nhiễm nCoV tăng vọt trở lại, hầu hết trường đại học đã chuẩn bị để chuyển sang chương trình học trực tuyến hoàn toàn nếu cần. Nhiều trường, trong đó có Harvard và Hệ thống Đại học bang California, đã thông báo kế hoạch chỉ tổ chức các khóa học trực tuyến vào mùa thu.
Harvard hiện có khoảng 5.000 sinh viên quốc tế, trong khi MIT là 4.000. Hai đại học này cho rằng quyết định của ICE là động thái nhằm buộc các trường phải tổ chức lớp học trực tiếp, một phần trong chiến lược chính trị của chính quyền Trump, nhằm gây sức ép với các trường mở cửa trở lại hoàn toàn vào mùa thu để cho thấy Covid-19 đã được kiểm soát ở Mỹ, dù tình hình thực tế không như vậy.
Đơn kiện được nộp lên Tòa án Liên bang ở Massachusetts, với hy vọng các thẩm phán sẽ ra phán quyết để nhanh chóng chặn chính quyền Trump thực thi chính sách này. Các trường lập luận rằng quy định mới vi phạm Đạo luật Thủ tục Hành chính, điều chỉnh các quy định của cơ quan liên bang Mỹ.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) chưa bình luận về vấn đề này. Carissa Cutrell, người phát ngôn của ICE, nói cơ quan này "không thể bình luận thêm do vụ kiện đang chờ giải quyết".
Trong đơn kiện, các trường đại học dẫn câu nói ngày 7/7 của Ken Cuccinelli, quyền thứ trưởng DHS, rằng quy định mới "nhằm khuyến khích các trường học mở cửa trở lại" để chứng minh cho lập luận của mình. Họ cũng cho rằng quyết định mới cho thấy nỗ lực liên tục của chính quyền Trump nhằm giảm số lượng sinh viên quốc tế ở Mỹ.
Chính quyền Trump cho rằng chính sách mới sẽ mang tới tính linh hoạt cho các trường cao đẳng, đại học ở Mỹ. Cuccinelli nói rằng sinh viên quốc tế vẫn có thể ở lại Mỹ, miễn là họ tham gia ít nhất một khóa học trực tiếp.
Quyền thứ trưởng DHS phủ nhận quan điểm cho rằng chính quyền liên bang đang tìm cách "ép" các trường đại học giảng dạy trực tiếp, nhưng ông thừa nhận Washington muốn theo hướng đó.
Thông báo mới của ICE khiến nhiều sinh viên quốc tế lo sợ sẽ bị trục xuất khỏi Mỹ nếu không có lớp học trực tiếp.
"Điều này thật đáng sợ. Tôi không thể ngủ được. Nó không chỉ ảnh hưởng tới tôi, mà còn con trai tôi đang học ở đây, nếu tôi phải thu dọn hành lý trở về Nepal", Mita Rawal, đang học ngành dược tại Đại học Georgia, nói.
Rawal vừa trải qua thời gian đầy khó khăn ở Mỹ, khi phải xoay xở mua máy tính theo yêu cầu của chương trình học của mình và mua laptop cho con trai 5 tuổi, với sự trợ giúp của một tổ chức phi lợi nhuận. Luận án của cô cũng bị hoãn lại nên cô không thể trở về nhà vào mùa hè này. Và sau đó, cô nhận được thông báo đáng sợ từ ICE.
"Thậm chí trong những giấc mơ điên rồ nhất của mình, tôi cũng không lường được sẽ rơi vào tình cảnh này", cô nói.
Nhiều giảng viên phẫn nộ về quy định mới đang nỗ lực vận động bảo vệ các sinh viên quốc tế. Một số đã tìm cách giúp sinh viên "lách" quy định mới, như mở lớp học tạm thời.
Dana R. Fisher, giáo sư xã hội học tại Đại học Maryland ở College Park, cho biết đã nhận được 25 email của sinh viên khi thức dậy sáng 8/7. Trên Twitter, bà thông báo sẽ mở khóa học riêng cho bất kỳ sinh viên nào cần tham gia lớp dạy trực tiếp trong kỳ này. Đề xuất của bà đã thu hút sự quan tâm của hàng chục sinh viên.
Sarah Parkinson, phó giáo sư về nghiên cứu quốc tế và khoa học chính trị tại Đại học Johns Hopkins, tiết lộ nhiều giáo sư đã thảo luận về việc tổ chức các lớp học trực tiếp cho bất kỳ du học sinh nào cần để đảm bảo không bị trục xuất khỏi Mỹ. Một lớp học tại công viên với vài sinh viên, ngồi cách nhau gần 2 m, có thể là một lựa chọn.
Quy định mới của chính quyền đã thúc đẩy một loạt lãnh đạo đại học lên tiếng bảo vệ hoạt động giáo dục quốc tế và trao đổi du học sinh. Họ khẳng định hàng triệu sinh viên quốc tế đã tới Mỹ trong thế kỷ qua, mang tới nhiều nhân tài giúp thúc đẩy nền dân chủ trên toàn thế giới và xây dựng nền kinh tế Mỹ.
"Sinh viên quốc tế của chúng tôi giờ đây đối mặt với nhiều câu hỏi về thị thực, y tế, gia đình và khả năng được theo đuổi tấm bằng của MIT. Họ còn thắc mắc 'liệu tôi có được chào đón không?', dù không nói thẳng ra. Tại MIT, câu trả lời chắc chắn là có", Chủ tịch MIT L. Rafael Reif nói.
Ông cũng chia sẻ lại câu chuyện tới Mỹ du học của chính mình. "Tôi đã từng háo hức theo đuổi chương trình học của mình, nhưng phải chấp nhận sống xa gia đình hàng nghìn km. Tôi cũng biết rằng chào đón các sinh viên quốc tế sáng giá, tài năng và nhiệt tình nhất là sức mạnh quan trọng của Mỹ", ông nói.
Trong năm học qua, Mỹ đã đón hơn một triệu sinh viên quốc tế, theo Viện Giáo dục Quốc tế. Nhiều nhà giáo dục cũng lo ngại đại dịch sẽ khiến lượng sinh viên quốc tế giảm, kéo theo doanh thu của các trường học Mỹ giảm. Chính sách mới Washington càng làm tăng thêm lo ngại.
"Nỗ lực hiện tại của chính quyền nhằm loại bỏ nhân tài cho giới lãnh đạo văn hóa và kinh tế Mỹ thực sự sai lầm", Michael M. Crow, chủ tịch Đại học bang Arizona, nơi có hơn 10.000 sinh viên quốc tế, cho hay.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)