Hội nghị trực tuyến quốc tế đầu tiên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi động hôm nay trong bối cảnh Covid-19 đã khiến hơn 4,8 triệu người nhiễm, gần 317.000 người chết trên toàn cầu. Một số nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các chính phủ, bộ trưởng y tế và nhiều quan chức dự kiến tham dự cuộc họp này.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 15/5 gọi đây là "một trong những sự kiện quan trọng nhất của Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan ra quyết sách của WHO, kể từ khi tổ chức được thành lập vào năm 1948".
Tuy nhiên, Ghebreyesus nhận định cơ hội đạt được một thỏa thuận toàn cầu về các biện pháp nhằm giải quyết khủng hoảng Covid-19 có thể bị đe dọa bởi mối quan hệ đang ngày càng xấu đi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trump tuần trước đe dọa cắt quan hệ với Trung Quốc, nơi khởi phát Covid-19 hồi cuối năm 2019, vì thất vọng với cách nước này xử lý dịch. Tổng thống Mỹ còn tuyên bố chính phủ nước này đang tìm cách xác định xem liệu nCoV có xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay không. Washington cũng cáo buộc WHO thiên vị Bắc Kinh, che giấu dịch. Trong khi đó, Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc.
Bất chấp những căng thẳng, các quốc gia vẫn kỳ vọng cuộc họp hôm nay sẽ đạt đồng thuận về dự thảo nghị quyết nhằm thúc giục phản ứng toàn cầu đối với đại dịch. Nghị quyết do Liên minh châu Âu (EU) đề ra, kêu gọi "đánh giá khách quan, độc lập và toàn diện" của toàn cầu đối với khủng hoảng Covid-19, đồng thời thúc đẩy quyền được tiếp cận công bằng với xét nghiệm, thiết bị y tế, phương pháp điều trị tiềm năng và vaccine trong tương lai.
Nghị quyết cũng kêu gọi WHO hợp tác chặt chẽ với các cơ quan và các quốc gia nhằm xác định nguồn gốc của nCoV và con đường lây lan sang người của loại virus này.
Bên cạnh đó, hội nghị được cho là sẽ tập trung vào vấn đề Đài Loan, trong bối cảnh hòn đảo khước từ điều kiện gia nhập WHO mà Bắc Kinh đưa ra. Người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan Trần Thời Trung (Chen Shih-chung) hôm 15/5 tuyên bố hòn đảo không chấp nhận là một phần của Trung Quốc để được gia nhập WHO. Ông gọi yêu cầu của Bắc Kinh là "điều kiện không tồn tại", đồng thời khẳng định hòn đảo sẽ không từ bỏ nỗ lực tham gia hội nghị của WHA hôm nay.
Tuy nhiên, WHO nhấn mạnh việc cho Đài Loan tham dự hay không sẽ đòi hỏi một nghị quyết của các quốc gia thành viên, các bên năm 1972 đã quyết định Bắc Kinh là đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại tổ chức này.
Đài Loan gần đây cố gắng vận động để có thể dự hội nghị WHA với tư cách quan sát viên. Tuy nhiên, Bắc Kinh phản đối điều này với lập luận rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất của Trung Quốc, nên họ có quyền đại diện cho hòn đảo trên trường quốc tế. Trong khi đó, Đài Loan cho biết chỉ chính quyền được bầu cử dân chủ của họ mới có thể lên tiếng cho 23 triệu dân.
Việc Mỹ và Nhật Bản ủng hộ Đài Loan dự hội nghị WHA càng khiến Trung Quốc tức giận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 14/5 tuyên bố việc đảng Dân Tiến cầm quyền ở Đài Loan không chấp nhận nguyên tắc "Một Trung Quốc" khiến cơ sở chính trị để hòn đảo tham gia WHO "không còn tồn tại".
Đài Loan từng tham gia WHA với tư cách quan sát viên từ năm 2009, khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc còn nồng ấm. Tuy nhiên, Trung Quốc gây sức ép tước tư cách quan sát viên WHA của Đài Loan sau khi bà Thái Anh Văn, người phản đối chính sách "Một Trung Quốc", trở thành lãnh đạo hòn đảo từ năm 2016.
Hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19 sau khi dịch khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Mỹ và châu Âu hiện là những vùng dịch lớn nhất toàn cầu.
Mai Lâm (Theo CNA)