Hôm 8/6, trong cuộc họp báo tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ, chuyên gia dịch tễ của WHO, bà Maria Van Kerkhove, khẳng định bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng rất khó lây truyền virus. Phát biểu tạo ra một cuộc tranh luận trong giới khoa học. Nhiều người phản ứng dữ dội, nhấn mạnh rằng hàng loạt nghiên cứu trước đó cho thấy có nhiều bệnh nhân không triệu chứng đã lây nCoV cho người khác.
Chưa đầy 24 giờ sau, tổ chức đính chính thông tin, giải thích đây là "một sự hiểu lầm".
"Tôi không nói đó là nghiên cứu từ WHO hay tương tự. Chúng tôi biết rằng một số người bệnh không biểu hiện rõ ràng vẫn có thể truyền nCoV. Còn quá nhiều điều chúng ta chưa biết về virus và con đường lây nhiễm của chúng", bà Kerkhove nói.
Tuy nhiên, phát biểu của WHO hôm 8/6 đã được lan truyền rộng rãi, trở thành cái cớ để nhiều người củng cố lập luận bảo thủ, cho rằng việc đeo khẩu trang khi tới nơi công cộng là không cần thiết.
Điểm mấu chốt của sự nhầm lẫn là sự khác biệt giữa bệnh nhân chưa biểu hiện rõ ràng và hoàn toàn không có triệu chứng. Tiến sĩ Van Kerkhove giải thích bà đang nói về nhóm thứ hai.
Các chuyên gia cho biết việc liên tục thay đổi quan điểm chỉ khiến công tác kiểm soát đại dịch trở nên khó khăn hơn. Ivo Vlaev, giáo sư về khoa học hành vi tại Đại học Warwick, nhận định: "Nếu bạn đưa ra các thông điệp gây hoang mang hoặc không thuyết phục, ví dụ như có nên đeo khẩu trang hay không, đến một lúc, người dân sẽ bỏ qua chúng.
Đây không phải lần đầu tiên các khuyến cáo của cơ quan y tế Liên Hợp Quốc bị đánh giá là không rõ ràng, tụt hậu so với giới khoa học. Hôm 5/6, WHO đột ngột điều chỉnh bản hướng dẫn về đeo khẩu trang. Trước đó, khi dịch bệnh vừa bùng phát trên thế giới, tổ chức nhiều lần khẳng định không khí hoặc aerosol (khí dung) không phải môi trường truyền nhiễm chính, dù nhiều nghiên cứu chứng minh điều ngược lại.
"WHO tỏ ra chậm trễ khi cảnh báo thế giới về vấn đề giọt bắn và khí dung", Michael Osterholm, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, nhận định. Điều này ảnh hưởng đến chính sách của các nước và công tác dập dịch nói chung, bởi nếu virus lây truyền qua không khí, người dân cần được khuyên tránh tụ tập ở không gian hẹp, ngay cả khi đã khử trùng cẩn thận.
Từ lâu, WHO thường rất thận trọng trong việc đánh giá các bằng chứng khoa học. Tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch, tốc độ nghiên cứu thay đổi. Các chuyên gia gấp rút công bố kết quả sơ bộ, ngay cả trước khi chúng được bình duyệt kỹ lưỡng.
Điều này có thể tạo ra nhiều bước tiến, như việc phát triển vaccine trong thời gian kỷ lục. Tuy nhiên, chúng cũng dẫn đến sự nhầm lẫn, thậm chí thu hồi kết quả, ví dụ các thử nghiệm thuốc sốt rét hydroxychloroquine.
Thục Linh (Theo NY Times, Washington Post, SCMP)