Bản hướng dẫn được WHO điều chỉnh hôm 5/6. Theo đó, chính phủ nên yêu cầu người dân sử dụng khẩu trang vải tại những khu vực có dịch bệnh, đồng thời để tất cả bác sĩ và nhân viên đeo khẩu trang y tế suốt ca làm việc. Trước đó, hồi tháng 2, tổ chức khuyến cáo người không có triệu chứng hô hấp không nên sử dụng khẩu trang y tế đại trà, nhằm đảm bảo nguồn cung cho những nhân viên làm việc trên tuyến đầu chống dịch.
"Trong các khu vực có lây nhiễm cộng đồng, chúng tôi khuyên người từ 60 tuổi trở lên, những người có bệnh nền, đeo khẩu trang. Chính phủ các nước nên nhắc nhở người dân đeo khẩu trang ở những nơi mà việc giữ khoảng cách an toàn là điều khó khăn, như trên các phương tiện giao thông công cộng, trong cửa hàng hoặc môi trường đông đúc khác", giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva, Thuỵ Sĩ.
Tổ chức cho biết đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học trực tiếp cho thấy việc sử dụng khẩu trang có thể làm giảm lây nhiễm nCoV. Tuy nhiên tình hình khả quan tại các quốc gia ban hành khuyến nghị từ trước đó, cộng với khó khăn trong việc thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều nơi khiến WHO thay đổi hướng dẫn.
Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc nhấn mạnh khẩu trang y tế vẫn nên được ưu tiên cho các bác sĩ tuyến đầu - những người có khả năng phơi nhiễm virus cao nhất. Cộng đồng có thể sử dụng các loại thay thế, làm bằng vải, để đảm bảo nguồn cung.
Theo hướng dẫn mới, khẩu trang tự chế cần có ít nhất ba lớp. Lớp trong cùng làm bằng vật liệu thấm nước như cotton, ở giữa là màng lọc và lớp ngoài cùng là vải không thấm nước.
Bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia dịch tễ của WHO, cho biết người dân nên tránh dùng vật liệu lụa, co giãn hoặc xốp.
Thục Linh (Theo CNN, Reuters)