Tuyên bố được Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra ngày 25/5. Dựa trên ý kiến của Hội đồng Giám sát An toàn Dữ liệu, các nhà khoa học sẽ dừng sử dụng hydroxychloroquine trong Chương trình Thử nghiệm các thuốc điều trị trên những bệnh nhân đầu tiên tại Na Uy và Tây Ban Nha (Solidarity Trial).
Thử nghiệm này so sánh sự an toàn và hiệu quả của bốn loại thuốc riêng biệt hoặc phối hợp chúng với nhau, chống lại Covid-19. Đây là một chương trình mang ý nghĩa lịch sử, sẽ giảm đáng kể thời gian cần thiết để chứng minh tác dụng của những thuốc này trên bệnh nhân nhiễm nCoV.
Dù nghiên cứu về hydroxychloroquine bị đình chỉ, các loại thuốc khác vẫn nằm trong chương trình. Nhóm điều hành Solidarity Trial đã đi đến quyết định này sau cuộc họp ngày 23/5.
"Tôi muốn nhắc lại rằng thuốc sốt rét chỉ được đánh giá là an toàn khi sử dụng cho bệnh nhân mắc các chứng tự miễn hoặc sốt rét", ông Tedros khẳng định.
WHO cho biết sẽ tiếp tục cập nhật khi có thêm các thông tin cần thiết.
Trước đó, hydroxychloroquine nhận được sự chú ý của công chúng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đây là loại thuốc giúp "lật ngược thế cờ" trong cuộc chiến với đại dịch. Tuy nhiên, ngày 22/5, tạp chí Lancet công bố một nghiên cứu về tác dụng phụ của thuốc đối với bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện. Các nhà khoa học chỉ ra rằng người dùng có tỷ lệ tử vong và các vấn đề tim mạch cao hơn. Họ cũng nhấn mạnh chưa thể khẳng định liệu thuốc có hiệu quả điều trị cho các bệnh nhân hay không.
Trước đó, WHO từng khuyến cáo người dân và bác sĩ không tự ý dùng hydroxychloroquine.
Hiện Việt Nam không sử dụng thuốc sốt rét điều trị bệnh nhân Covid-19. Cục Quản lý Dược cũng đã yêu cầu các cơ sở bán lẻ trên toàn quốc không tăng giá bán, không găm hàng, tích trữ gây ra tình trạng khan hiếm trên thị trường đối với các thuốc có chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin.
Thục Linh (Theo Reuters)