Bà Van Kerkhove, trong chương trình hỏi đáp trực tuyến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 15/12, nhận định: "Hiện chúng ta đã có đủ công cụ. Chúng ta có thể làm giảm số ca tử vong vì căn bệnh này. 2022 có thể là năm Covid-19 kết thúc".
Ý kiến này có vẻ khá lạc quan, trong bối cảnh chỉ vài ngày trước cũng WHO cảnh báo biến chủng Omicron có thể làm suy yếu vaccine và lây lan nhanh hơn chủng Delta đang chiếm ưu thế trên thế giới.
Cơ sở để bà Van Kerkhove nhận định như trên là vào tháng 10, WHO đưa ra chiến lược đảm bảo tỷ lệ bao phủ vaccine, đạt miễn dịch cộng đồng trong năm tới. Theo đó, tổ chức sẽ làm việc với Covax và nhiều đối tác trên thế giới để tiêm vaccine cho 40% dân số tất cả quốc gia vào cuối năm 2021, 70% dân số vào giữa năm 2022. WHO khuyến khích các nước hành động nhanh chóng nhằm thu hẹp khoảng cách vaccine, đồng thời kêu gọi các nhà sản xuất thực hiện tốt cam kết phân phối, không trì hoãn thêm.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, nhận định: "Khoa học đã phát huy vai trò bằng cách cung cấp các công cụ mạnh mẽ, cứu nhiều mạng sống một cách nhanh chóng hơn bất kỳ đợt bùng phát lịch sử nào trước đây". Ông cũng cho rằng một số nhà sản xuất đang gấp rút thực hiện thử nghiệm vaccine mới để phù hợp với các đột biến của virus.
Theo WHO, để đạt được mục tiêu tiêm chủng toàn cầu và chấm dứt đại dịch trong năm sau, cần có cách tiếp cận ba bước đối với chiến dịch tiêm chủng. Trong đó, người cao tuổi, nhân viên y tế và người có nguy cơ cao tiêm phòng trước. Tiếp đến, cần tiêm vaccine cho toàn bộ người trưởng thành và mở rộng chiến dịch cho trẻ em.
Omicron đang lây lan với tốc độ "chưa từng thấy", song vaccine vẫn giúp hạn chế đáng kể nguy cơ trở nặng và tử vong, theo WHO. Omicron đã được ghi nhận tại 77 quốc gia và có thể sẽ hiện diện ở phần lớn thế giới, đồng thời không nên bị coi là "nhẹ".
Thục Linh (Theo AP, CNBC)