Theo WHO, Omicron hiện được phát hiện ở ít nhất 24 quốc gia, song cơ quan y tế tại những nơi này chưa ghi nhận bất cứ ca tử vong nào do nhiễm biến chủng mới.
Christian Lindmeier, người phát ngôn của WHO, cho biết: "Khi các nước xét nghiệm nhiều hơn, chúng ta sẽ tìm ra nhiều ca nhiễm Omicron, nhiều dữ liệu hơn và có thể phát hiện cả ca tử vong, song chúng tôi hy vọng điều này không xảy ra".
Trong bối cảnh Omicron lây lan nhanh chóng, Lindmeier cũng kêu gọi người dân lưu tâm cả biến chủng Delta, chiếm 99,8% kết quả giải trình tự gene trong kho dữ liệu virus toàn cầu GISAID 60 ngày qua.
Ông nhận định: "Omicron có thể đang trên đà phát triển. Chúng có khả năng trở thành biến chủng trội. Nhưng tại thời điểm này, Delta vẫn chiếm ưu thế".
Trước khi biến chủng Omicron xuất hiện, nhiều quốc gia hạn chế đi lại, đóng cửa các khu chợ Giáng sinh, phong tỏa theo khu vực để ngăn ngừa sự lây lan của Delta. Ông Lindmeier khuyến nghị người dân thực hiện các biện pháp an toàn từng được áp dụng trong giai đoạn trước của Covid-19 để phòng ngừa lây nhiễm cả Delta và Omicron.
WHO cho biết sẽ mất vài tuần để thế giới có cái nhìn đầy đủ về khả năng lây truyền và mức độ nghiêm trọng của Omicron, đồng thời đánh giá hiệu quả vaccine, kit xét nghiệm và phương pháp điều trị trước biến chủng mới. Khi Omicron lan rộng, thông tin về virus sẽ đến từ nhiều nguồn khác nhau.
"Nhiệm vụ của chúng tôi là quan sát toàn diện, thu thập, đánh giá và kiểm tra các thông tin, sau đó nhờ chuyên gia xem xét, cân nhắc và đưa ra thông báo một cách cẩn thận. Điều này sẽ mất thời gian", Lindmeier nói.
Omicron xuất hiện lần đầu tại Botswana vào ngày 11/11, sau đó được Nam Phi phát hiện và công bố hôm 24/11, khi số ca nhiễm ở nước này tăng theo cấp số nhân chỉ trong vài tuần. Hai ngày sau, WHO tuyên bố xếp biến chủng này vào danh sách "đáng lo ngại".
Thục Linh (Theo AFP)