"Giao thừa năm mới đánh dấu năm thứ hai của đại dịch Covid-19, một lời nhắc nhở về những gì chúng ta đã đạt được lẫn đánh mất, với tâm thế một cộng đồng nỗ lực cùng nhau ứng phó cuộc khủng hoảng toàn cầu", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyenus ngày 30/12 chia sẻ trong thông điệp cuối năm 2021.
"Đây là dịp để chúng ta nhìn lại và tiếp tục nỗ lực hành động để chấm dứt đại dịch trong năm 2022", ông nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu tổ chức y tế của Liên Hợp Quốc, thế giới đã sở hữu đủ công cụ, nguồn lực và động lực để chấm dứt Covid-19, nhưng vẫn còn thiếu ý chí.
Tổng giám đốc WHO kêu gọi chính phủ các nước áp dụng loạt biện pháp chặn đứng lây nhiễm nCoV một cách bài bản và kiên quyết, hợp tác cùng các hãng dược ưu tiên chuyển giao vaccine cho những sáng kiến tiêm chủng toàn cầu như COVAX, hỗ trợ những nơi chịu rủi ro vì Covid-19 cao nhất tiếp cận nguồn cung.
Theo người đứng đầu WHO, thế giới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong năm 2021, từ phát triển thành công 10 loại vaccine Covid-19 được cơ quan Liên Hợp Quốc đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp, phân bổ hơn 8,5 tỷ liều vaccine trên toàn cầu và cho ra đời những liệu pháp mới giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong vì Covid-19.
Tedros mong muốn thế giới giải quyết tình trạng bất bình đẳng vaccine giữa các nước để đạt mục tiêu chấm dứt đại dịch trong năm sau. "Một số nước đã triển khai chương trình tiêm mũi tăng cường toàn quốc, trong khi mới 1/2 thành viên WHO đạt mục tiêu 40% dân số có miễn dịch trước cuối năm 2021 vì thiếu nguồn cung", ông bày tỏ lo ngại, đồng thời lưu ý đã một năm từ những mũi vaccine đầu tiên được triển khai, 3/4 nhân viên y tế ở châu Phi vẫn chưa được tiêm chủng.
"Nếu chúng ta chấm dứt bất bình đẳng vaccine, chúng ta sẽ chấm dứt đại dịch và cơn ác mộng toàn cầu mà tất cả chúng ta đang trải qua", ông nhấn mạnh.
Tổng giám đốc WHO tự tin thế giới với toàn bộ những hiểu biết và nguồn lực mới trong ứng phó Covid-19 đang đứng trước cơ hội xoay chuyển cục diện cuộc chiến với đại dịch.
WHO đặt ra ba mục tiêu chung cho năm tiếp theo gồm tiêm chủng cho 70% dân số thế giới trước giữa năm, xây dựng khung hợp tác quốc tế về an ninh sức khoẻ toàn cầu vững mạnh hơn, và mọi quốc gia đầu tư nhiều hơn cho chăm sóc sức khoẻ người dân.
"Tôi tin rằng nếu chúng ta đạt tiến triển với những mục tiêu này, khi cùng ngồi lại vào cuối năm 2022, chúng ta sẽ không chỉ đánh dấu kết thúc năm thứ ba của đại dịch mà sẽ ăn mừng sự trở lại của trạng thái bình thường trước Covid-19", ông nói.
Trung Nhân