Giới quan sát đánh giá phản ứng toàn cầu với Covid-19 thiếu tổ chức và bất bình đẳng. Ít nhất 5 triệu người trên khắp thế giới đã tử vong vì đại dịch, toàn cầu hiện vẫn ghi nhận khoảng 50.000 người chết mỗi tuần. Ngay cả những nơi thịnh vượng và dồi dào vaccine như Mỹ và Tây Âu cũng đang chứng kiến số ca nhiễm mới liên tục ở mức cao, còn các quốc gia thu nhập thấp bị tụt xa về tiêm chủng.
Cuối tháng này, phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) sẽ diễn ra ngày 29/11-1/12, nhằm thảo luận biện pháp khắc phục những sai lầm trong hệ thống ứng phó Covid-19 toàn cầu trước các đại dịch trong tương lai, cũng như cách củng cố Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giữa các quốc gia thành viên.
Mặc dù không được quảng bá rộng rãi như hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) tại Scotland, sự kiện này cũng hướng đến các mục tiêu lớn tương tự. Một trong số những ý tưởng cấp tiến nhất là thiết lập "hiệp ước đại dịch", tức là dùng luật pháp quốc tế để ràng buộc hoạt động chuẩn bị ứng phó dịch bệnh.
Vài tuần gần đây, sáng kiến này được thúc đẩy rõ rệt. Một nhóm công tác đã họp nhiều tháng để hoàn thiện báo cáo được công bố tuần trước, trong đó kêu gọi WHA bắt đầu soạn thảo "công ước, hiệp định WHO hoặc văn kiện quốc tế khác về chuẩn bị và ứng phó đại dịch.
Ý tưởng "hiệp ước đại dịch" nhận được sự ủng hộ từ Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cùng nhiều lãnh đạo khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, một số nước tỏ ra kém nhiệt tình hơn, hoặc hoài nghi như Nga và Brazil. Giới quan sát cũng chỉ ra rằng chưa rõ các quốc gia sẵn sàng đi xa đến đâu.
"Câu hỏi được đặt ra là sáng kiến này có quy mô đến đâu, xét trên mức độ mong muốn củng cố hệ thống ứng phó đại dịch toàn cầu và mức độ sẵn sàng hành động của các nước", Suerie Moon, đồng giám đốc Trung tâm Y tế Toàn cầu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển tại Geneva, nêu vấn đề. "Một ví dụ là liệu họ có sẵn sàng đàm phán các quy tắc quốc tế ràng buộc, hay bằng lòng chi tiền hay không".
Theo bình luận viên Adam Taylor của Washington Post, một hiệp ước mới chắc chắn sẽ đề cập đến hai trong số những vấn đề gây tranh cãi nhất của đại dịch Covid-19, bao gồm bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine, thuốc điều trị và truy tìm nguồn gốc đại dịch.
Vấn đề đầu tiên thu hút sự chú ý trong tuần này, khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chủ trì cuộc họp thảo luận về mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào tháng 9/2022. Dù đạt một số tiến bộ, mục tiêu này vẫn rất xa vời, trong bối cảnh mới 2,5% dân số các nước thu nhập thấp được tiêm vaccine đầy đủ, theo dữ liệu của tổ chức One Campaign. Covax, cơ chế nhằm phân phối vaccine công bằng của WHO, chưa thể tiến gần các mục tiêu họ đề ra.
"Hiệp ước đại dịch" được kỳ vọng có thể ngăn chặn tình trạng bất bình đẳng như vậy. Steven Solomon, quan chức phụ trách pháp lý của WHO, chỉ ra một thỏa thuận hồi năm 2011 về dịch cúm đã giúp đảm bảo nguồn cung cho cơ quan. "Nhờ khuôn khổ đó, WHO hiện có các hợp đồng ràng buộc pháp lý đối với hàng trăm triệu liều vaccine cúm nếu đại dịch xảy ra", ông cho hay.
Về vấn đề tìm kiếm nguồn gốc đại dịch, bình luận viên Taylor cho rằng hiệp ước có thể bao gồm những thủ tục ràng buộc về chia sẻ thông tin, tạo điều kiện cho các nhà điều tra nước ngoài khi đại dịch mới bắt đầu. Đây dường như là thách thức lớn, dựa trên thực tế là nguồn gốc Covid-19 vẫn mờ mịt và cuộc điều tra của WHO vướng những rào cản từ Trung Quốc.
Hồi tháng 9, Tedros và Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đề xuất khả năng trừng phạt các quốc gia từ chối chia sẻ thông tin về đại dịch. "Một hiệp ước nên bao gồm những biện pháp khuyến khích, nhưng có lẽ xem xét trừng phạt cũng quan trọng", Tedros nêu quan điểm.
Tuy nhiên, chuyên gia Moon đánh giá ngoài Trung Quốc, nhiều nước khác cũng sẽ lo ngại thẩm quyền điều tra của một tổ chức quốc tế, bởi đây là vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị.
Vấn đề gây tranh cãi khác là "hiệp ước đại dịch" có thể đòi hỏi các quốc gia góp chung nguồn lực nghiên cứu và phát triển. Những người ủng hộ cho rằng ý tưởng này có thể thúc đẩy ngành công nghiệp dược phẩm hơn nhiều so với đề xuất ngừng thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 đang được thảo luận tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Thông thường, Mỹ là một trong những nước chỉ trích mạnh mẽ nhất các biện pháp như vậy. Nhiều người cũng lo ngại nỗ lực đổi mới, sáng tạo của lĩnh vực tư nhân sẽ bị tổn hại. Tuy nhiên, tình hình dường như đã thay đổi theo hướng có lợi cho những người ủng hộ cải cách, khi chính quyền Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ ủng hộ dỡ bỏ bảo hộ bằng sáng chế vaccine Covid-19.
Bất chấp một số triển vọng, hoài nghi vẫn bao trùm sáng kiến "hiệp ước đại dịch". Dù nhóm công tác đã đưa ra được báo cáo thông qua đồng thuận, họ không nêu rõ những quốc gia nào ủng hộ ý tưởng. Ngay cả quá trình thực hiện báo cáo cũng là một "trận chiến", với các cuộc tranh luận kéo dài. Hiện chưa rõ Mỹ có phản đối ý tưởng về hiệp ước hay không. Lập trường của Trung Quốc cũng mơ hồ.
Bình luận viên Taylor nhận định ngay cả khi nhu cầu thiết lập hiệp ước được nhất trí tại WHA, có thể mất nhiều năm để hoàn thiện các chi tiết. Trong trường hợp hiệp ước được thống nhất, vẫn có khả năng một số quốc gia không ký kết, hoặc đơn giản là không giữ cam kết.
Tuy nhiên, trước nguy cơ rõ rệt về một đại dịch trong tương lai, cùng những vấn đề trong phản ứng toàn cầu với Covid-19, nhiều người hy vọng các quốc gia có thể bỏ qua một số khác biệt.
"Không có hiệp ước hay hợp đồng nào hoàn hảo, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn nên làm việc để tạo ra những thỏa thuận ràng buộc, bởi như thế vẫn tốt hơn", Solomon, quan chức WHO, cho biết.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)