Trong lá thư dài 4 trang, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebryesus cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về cách ứng phó với đại dịch, cho rằng họ liên tục mắc sai lầm khiến thế giới trả giá đắt. Ông cũng nhắc lại lời đe dọa rút khỏi tổ chức này và chuyển gần 400 triệu USD đóng góp ngân sách cho WHO mỗi năm tới các tổ chức y tế khác.
"Tôi không thể cho phép người đóng thuế Mỹ tiếp tục tài trợ cho một tổ chức rõ ràng không phục vụ lợi ích của nước Mỹ như hiện tại", Trump viết trong thư, thêm rằng chính quyền của ông đã liên lạc với WHO về những cải cách mong muốn, song ông không nói rõ những cải cách đó là gì.
"Tối hậu thư" của Trump được gửi đi trong bối cảnh các thành viên WHO đang dự cuộc họp trực tuyến của Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan ra quyết sách của WHO, nhằm thúc đẩy phản ứng quốc tế với Covid-19 trong hai ngày 18-19/5.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Tedros dường như không bị cuốn vào vòng xoáy tranh cãi hay tỏ ra bất bình với tuyên bố của Trump như trước đó. Ông chỉ nhắc tới vấn đề này một lần khi nói rằng đại dịch đang "đe dọa phá vỡ hợp tác quốc tế".
Anne Gulland, biên tập viên của Telegraph, cho rằng ông Tedros giữ được thái độ bình thản như vậy có thể là do sự "yểm trợ" của Trung Quốc. Ngay sau "tối hậu thư" của Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình, một trong số lãnh đạo hàng đầu thế giới tham dự WHA, tuyên bố Bắc Kinh cam kết đóng góp hai tỷ USD để hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó đại dịch.
Bắc Kinh cũng lập tức công kích, cáo buộc Mỹ lợi dụng họ làm cái cớ để trốn tránh nghĩa vụ tài chính được các quốc gia thành viên WHO nhất trí. "Việc Mỹ đơn phương ngừng đóng góp vi phạm nghĩa vụ quốc tế của chính họ. Chúng ta vẫn trong giai đoạn rất quan trọng. Ủng hộ WHO giúp duy trì chủ nghĩa đa phương, đồng thời hỗ trợ quá trình hợp tác quốc tế chống đại dịch và cứu lấy mạng sống của mọi người", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 19/5 cho hay.
Một người thuộc WHO cho biết phản ứng của Tổng giám đốc Tedros sẽ phụ thuộc vào phản ứng của 194 nước thành viên. "Nếu các nước thành viên lo ngại về việc Mỹ rút ngân sách, ông Tedros cũng sẽ cảm thấy quan ngại", người này nói.
Ông thêm rằng cơn tức giận của Trump ngược lại chỉ khiến các quốc gia thành viên WHO trở nên đoàn kết hơn. Nhiều lãnh đạo thế giới khác, gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, cũng cam kết hỗ trợ WHO. "Sức khỏe con người không phải vấn đề có thể đem ra tranh luận, để phục vụ mục đích riêng hay để mua bán", Tổng thống Macron khẳng định.
Nhiều nhà bình luận tin rằng Trump rất khó đạt được mục đích của mình bằng cách "trút giận" lên WHO. Tiến sĩ Clare Wenham, phó giáo sư về chính sách y tế toàn cầu tại Đại học Kinh tế London, cho biết Trump có hai mục đích khi công kích WHO.
"Thứ nhất, ông ấy muốn đánh lạc hướng dư luận về thất bại của mình khi đối phó với đại dịch ở Mỹ. Ông ấy cố gắng đổ lỗi cho Trung Quốc và WHO, đồng thời biến tổ chức y tế này thành 'kẻ giơ đầu chịu báng'. Thứ hai, WHA đã trở thành chiến trường ủy nhiệm cho cuộc tranh đấu quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc. Trận chiến này có thể xảy ra ở bất kỳ diễn đàn quốc tế nào và trong trường hợp này là WHO", bà Wenham nhận định.
Dù không rõ cam kết đóng góp hai tỷ USD của Trung Quốc có trở thành hiện thực hay không, tiến sĩ Wenham tin rằng các quốc gia khác sẽ lấp khoảng trống tài chính cho WHO, cũng như nền y tế toàn cầu.
Mỹ luôn là nước đóng góp ngân sách nhiều nhất cho WHO, nhưng chỉ chiếm 15% trong tổng ngân sách của tổ chức y tế này. Do đó, nhiều nhà bình luận tin rằng WHO sẽ không khó để bù đắp khoản thiếu hụt đó nếu Mỹ quyết định rút khỏi tổ chức.
Lần cuối cùng Mỹ ngừng đóng góp ngân sách cho WHO là cuối thập niên 80 và ảnh hưởng của nó rõ ràng hơn bây giờ rất nhiều, theo tiến sĩ Sharifah Sekalala, phó giáo sư về luật tại Đại học Warwick, Anh.
"Ngày nay, WHO đã ở một vị thế tốt hơn nhiều. Họ đã có nhiều nhà tài trợ mới như Quỹ Bill & Melinda Gates với ngân sách đóng góp lớn thứ hai, cùng nhiều quỹ khác. WHO giờ không dễ bị đe dọa như trong quá khứ", bà Sekalala nói.
Việc Mỹ rút ngân sách cũng báo trước sự thay đổi lớn ở WHO, theo tiến sĩ Yu Jie, người chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Chatham House. "Bắc Kinh sẽ thúc đẩy WHO trở thành một tổ chức tập trung vào nam bán cầu, đồng thời tìm cách thay đổi quy tắc và tiêu chuẩn có lợi hơn cho các nước đang phát triển", bà nói.
Một lý do khác khiến WHO không quá lo ngại về lời đe dọa của Mỹ là vị thế của Trung Quốc ngày càng tăng lên như một cường quốc về khoa học và công nghệ. Bắc Kinh đang tiến hành nhiều nghiên cứu khoa học về nCoV với tốc độ đáng nể và nhanh chóng tăng bậc trên các bảng xếp hạng quốc tế ở mọi lĩnh vực.
Nghiên cứu của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ năm 2018 cho biết Mỹ vẫn là nước chi cho nghiên cứu và phát triển lớn nhất thế giới với khoảng 500 tỷ USD mỗi năm, tiếp theo là Trung Quốc với gần 400 tỷ USD.
"Trung Quốc sẽ nhanh chóng bắt kịp Mỹ nhờ nguồn tài chính khổng lồ đầu tư cho sáng tạo khoa học và quy trình tuyển chọn nhân tài cực kỳ nghiêm ngặt", bà Yu nói.
Bình luận viên Anne Gulland còn cho hay ngày càng có nhiều lo ngại về việc Trung Quốc vươn lên thống trị về khoa học. Giai đoạn đầu đại dịch, các nhà khoa học Trung Quốc từng nhận được nhiều lời khen về tốc độ giải trình tự gene của nCoV, nhưng sau đó bị chỉ trích vì từ chối chia sẻ mẫu sinh phẩm.
Nhiều người từng đặt câu hỏi rằng liệu có nên tin tưởng vào những công trình khoa học của Trung Quốc, nhưng tiến sĩ Yu cho rằng tất cả quốc gia trên thế giới đều chính trị hóa khoa học ở mức độ nào đó.
"Việc Mỹ rút ngân sách là một đòn giáng vào WHO, nhưng nó không phải là khó khăn không thể vượt qua. Tôi không nghĩ WHO sẽ quá lo lắng về điều này. Họ có nhiều việc khác quan trọng hơn phải làm như tập trung vào đại dịch và cứu sống mọi người", tiến sĩ Wenham nhận định.
Thanh Tâm (Theo Telegraph)