Các đồng nghiệp của ông trong đơn vị giám sát mạng xã hội thuộc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Đài Loan (CDC) phát hiện một số bài đăng về bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân ở Vũ Hán. Bài đăng gốc ở Trung Quốc đại lục đã nhanh chóng bị xóa, nhưng ảnh chụp màn hình được đăng lại trên PTT, một diễn đàn trực tuyến phổ biến ở Đài Loan. Một số người bình luận lo lắng SARS xuất hiện trở lại.
Khi nhìn ảnh chụp các báo cáo của phòng thí nghiệm cũng như tin nhắn trao đổi giữa các bác sĩ ở Vũ Hán, La, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nghi ngờ có gì đó mới mẻ, không phải SARS, đã xảy ra bên kia eo biển Đài Loan.
"Nhưng nguồn tin có đáng tin cậy hay không và việc đọc những thông tin này cũng không thể chứng minh được một loại bệnh mới đã xuất hiện", La kể lại suy nghĩ của ông lúc đó. Bởi vậy, ông yêu cầu đồng nghiệp ở CDC liên lạc bằng email với các đối tác ở Bắc Kinh và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để hỏi thêm thông tin.
"Các nguồn tin tức hôm nay cho thấy ít nhất 7 ca viêm phổi không điển hình được báo cáo ở Vũ Hán, Trung Quốc. Giới chức y tế thành phố trả lời truyền thông rằng các ca bệnh này không phải SARS, nhưng các mẫu bệnh phẩm đang được xem xét và bệnh nhân đã được cách ly để điều trị. Tôi sẽ rất biết ơn nếu các ông chia sẻ những thông tin liên quan với chúng tôi", các đồng nghiệp của ông La viết trong email.
Khoảng 13h30 chiều hôm đó, Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán công bố 27 ca viêm phổi liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam. Họ tuyên bố kết quả điều tra cho thấy "không có dấu hiệu lây nhiễm từ người sang người rõ ràng".
Ba tuần sau, chuyên gia hàng đầu của chính phủ Trung Quốc mới xác nhận virus có thể lây từ người sang người vào ngày 20/1. Hai ngày sau, WHO ra tuyên bố nói rằng tình trạng lây từ người sang người đang diễn ra ở Vũ Hán.
Nhưng Đài Loan không chờ đến lúc đó mới thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Ngay từ ngày 31/12/2019, hòn đảo bắt đầu sàng lọc y tế tất cả hành khách bay tới từ Vũ Hán. "Chúng tôi không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ WHO hoặc từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CCDC). Chúng tôi lo lắng và bắt đầu chuẩn bị đề phòng", lãnh đạo cơ quan ngoại giao Đài Loan Joseph Wu nói.
Email ông La yêu cầu đồng nghiệp gửi cho WHO cuối cùng gây ra cơn bão địa chính trị. Hồi tháng ba, quan chức số hai Đài Loan Trần Kiến Nhân, vốn là nhà dịch tễ học, nói với Financial Times rằng WHO đã phớt lờ cảnh báo sớm của hòn đảo về việc nCoV có thể lây từ người sang người.
Tuyên bố này của ông Trần đã "đổ thêm dầu vào lửa" căng thẳng giữa Mỹ và WHO, khi Washington cáo buộc tổ chức này "thông đồng" với Trung Quốc để che giấu dịch bệnh và khiến thế giới lãng phí thời gian quý báu chuẩn bị ứng phó với Covid-19. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, WHO đã "đặt chính trị lên trên y tế công cộng" khi không chuyển thông tin quan trọng này cho các quốc gia thành viên.
Đài Loan không có tư cách thành viên tại WHO do Bắc Kinh phản đối với lập luận rằng hòn đảo là một phần lãnh thổ chờ thống nhất của Trung Quốc. Đài Loan nói việc họ bị "ra rìa" đe dọa tới nền y tế công cộng. Chính quyền Trump cũng tập trung vào vấn đề này khi chỉ trích mối quan hệ giữa WHO với Trung Quốc. Trong khi đó, WHO khẳng định họ đã chia sẻ thông tin liên quan đến đại dịch với Đài Loan.
Khi căng thẳng leo thang và sau khi tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cáo buộc Đài Loan hậu thuẫn chiến dịch phân biệt chủng tộc chống lại ông, giới chức Đài Loan đã công khai email gửi ngày 31/12/2019.
Cơ quan ngoại giao Đài Loan cho rằng việc họ sử dụng cụm từ "cách ly để điều trị" trong email là bằng chứng "cho thấy rõ ràng có nguy cơ virus lây từ người sang người, vì nếu không lây nhiễm thì biện pháp cách ly đó không cần thiết". Đài Loan lập luận các quan chức y tế công cộng hẳn phải nhận ra cách diễn đạt này ẩn ý cảnh báo nCoV lây từ người sang người.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế có ý kiến trái ngược về vấn đề này. Một số người đồng ý với lập luận của Đài Loan. Số khác thì nói rằng cách ly bệnh nhân có khả năng mang mầm bệnh mới là biện pháp phòng ngừa hiển nhiên nên không đủ để nói lên điều gì.
WHO bác bỏ cáo buộc phớt lờ cảnh báo từ Đài Loan. Phát ngôn viên Tarik Jasarevic nói rằng WHO nhận được email từ Đài Loan sau khi Vũ Hán đã thông báo về dịch. Email không đề cập đến việc nCoV lây từ người sang người, nhưng vẫn được chuyển đến các chuyên gia đối chiếu thông tin về dịch bệnh.
Theo ông Tedros, Đài Loan không phải là bên đầu tiên cảnh báo về tình hình ở Vũ Hán. "Nhiều bên khác trước đó đã yêu cầu làm rõ thông tin", ông nói. Phát ngôn viên của WHO Paul Garwood cho biết vào ngày 31/12/2019, một cơ quan y tế từ một khối quốc gia và một nước khác đã cảnh báo về dịch và yêu cầu có thêm thông tin, dù họ không cảnh báo virus lây từ người sang người. Garwood không thể tiết lộ những bên này là ai vì đây là thông tin mật.
Nhiều chuyên gia y tế, học giả và quan chức chính phủ, đặc biệt là Mỹ, chỉ trích WHO quá "cả tin" Trung Quốc. Trong khi đó, WHO lập luận rằng họ tin tưởng mỗi quốc gia thành viên có trách nhiệm báo cáo thông tin trung thực.
Đối với Đài Loan, những điều từng xảy ra trước đây khiến họ hoài nghi. Hòn đảo từng bị ảnh hưởng nặng nề trong SARS khi Trung Quốc đại lục ban đầu tìm cách che đậy dịch. Vì vậy, khi một bệnh viêm phổi bất thường khác xuất hiện, giới chức y tế nhanh chóng nhập cuộc.
Hai bác sĩ lâm sàng Đài Loan, cùng với các chuyên gia từ Hong Kong và Macau, thuộc một trong những phái đoàn tìm hiểu thông tin đầu tiên đến Vũ Hán. Chuyến đi diễn ra ngày 13-15/1, trùng vào thời điểm các quan chức Vũ Hán thông báo không ghi nhận ca nhiễm mới trong một hội nghị đảng. Chợ hải sản Hoa Nam, được cho là nơi virus khởi phát, bị đóng cửa. Nhiều người tin rằng dịch sẽ sớm kết thúc dù phái đoàn nhận thấy những chi tiết khả nghi.
Chuang Yin-ching, một trong những chuyên gia trong phái đoàn, nghi ngờ các quan chức Vũ Hán "cố gắng che giấu thông tin" vì khi được hỏi về khả năng lây nhiễm của căn bệnh lạ, câu trả lời luôn không rõ ràng.
Cuối cùng, một quan chức thừa nhận phát hiện trường hợp nghi vấn: hai vợ chồng trong một gia đình đều mắc bệnh viêm phổi lạ dù người vợ hoàn toàn không đến chợ hải sản. "Chúng tôi gần như chắc chắn người chồng đã lây bệnh cho vợ", Chuang nói. Đó là thông tin thay đổi cục diện.
Vào ngày các chuyên gia rời đi, Vũ Hán ra tuyên bố thừa nhận "có thể xuất hiện lây nhiễm hạn chế từ người sang người", nhưng không ghi nhận lây lan mạnh trong cộng đồng.
CDC Đài Loan cho biết họ đã chia sẻ "thông tin tóm tắt" về chuyến thăm với "các quốc gia có cùng chí hướng" nhưng từ chối tiết lộ cụ thể. Ngay sau khi phái đoàn trở về, Đài Loan kích hoạt Trung tâm Chỉ huy Dịch bệnh để đối phó dịch, ba ngày trước khi Vũ Hán bị phong tỏa hôm 23/1.
Đài Loan đã hết sức cảnh giác, ông La nói. "Điều đó giúp chúng tôi bảo vệ người dân trước làn sóng dịch bệnh đầu tiên, nếu không, chúng tôi có thể lâm vào tình cảnh giống Italy hay Hàn Quốc", ông nói.
Trớ trêu thay, việc bị loại khỏi WHO có thể là "trong cái rủi lại có cái may" với Đài Loan, theo ông La.
Đài Loan từng tham gia Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), diễn đàn ra quyết sách của WHO, với tư cách quan sát viên từ năm 2009, khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc còn nồng ấm. Tuy nhiên, Trung Quốc gây sức ép tước tư cách quan sát viên WHA của Đài Loan sau khi bà Thái Anh Văn, người phản đối chính sách "Một Trung Quốc", trở thành lãnh đạo hòn đảo từ năm 2016. Đài Loan và Mỹ đã cố gắng vận động để hòn đảo có thể dự hội nghị WHA tuần này nhưng không thành công.
WHO cho biết họ đang tiếp tục tạo điều kiện cho các chuyên gia của mình tương tác với Đài Loan, bao gồm cho phép chuyên gia y tế Đài Loan tham gia vào hai mạng lưới chống Covid-19 của WHO được thành lập vào tháng một và tổ chức các cuộc họp qua điện thoại giữa WHO và cơ quan y tế tại Đài Bắc.
Vì không có tư cách thành viên, Đài Loan luôn giữ tâm thế rằng "chúng ta hẳn đã bỏ lỡ thông tin quan trọng". "Điều đó khiến chúng tôi cảm thấy nên bảo vệ bản thân tốt hơn bằng cách tìm kiếm thông tin trên tất cả nền tảng, không chỉ dựa vào thiện chí của WHO hay các bên khác", ông La nói.
Tuy nhiên, La Nhất Quân vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của WHO. "Chúng tôi vẫn cần WHO", ông nói. "Và chúng tôi cần WHO mạnh mẽ hơn".
Phương Vũ (Theo Time)