"Chúng tôi đặt ra kỳ vọng là giai đoạn cấp tính của đại dịch sẽ kết thúc trong năm nay, tất nhiên với điều kiện đạt được mục tiêu tiêm chủng 70% dân số vào giữ năm nay, khoảng tháng 6-7", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong chuyến thăm công ty Afrigen Biologics&Vaccines ở Nam Phi ngày 11/2.
"Nếu điều đó được thực hiện, giai đoạn cấp tính của đại dịch có thể thực sự kết thúc và đó là điều chúng tôi mong đợi. Nó nằm trong tay chúng ta, đó không phải chuyện may rủi mà là vấn đề của lựa chọn". Tedros nói.
Afrigen là công ty đầu tiên tại châu Phi sản xuất vaccine Covid-19 sử dụng công nghệ ARN thông tin (mRNA) của Moderna. Sản phẩm được thử nghiệm lâm sàng vào tháng 11 và phê duyệt năm 2024.
Tổng giám đốc WHO bày tỏ hy vọng vaccine này "phù hợp với bổi cảnh nó được sử dụng với ít hạn chế liên quan tới bảo quản và giá thành thấp hơn".
Afrigen đang dẫn đầu dự án thử nghiệm do WHO và sáng kiến COVAX hỗ trợ. Trung tâm chuyển giao công nghệ được thành lập tháng 7/2021 sẽ đào tạo các quốc gia khác và trao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 cho những nước nghèo bị bỏ lại trong cuộc đua tiêm chủng.
Tendros nói WHO cam kết hỗ trợ phát triển sản xuất vaccine tại các địa phương ở châu Phi và trên thế giới để tăng cường an ninh y tế trong khu vực. Chỉ 11% dân châu Phi đã được tiêm vaccine, tỷ lệ thấp nhất toàn thế giới. Văn phòng WHO châu Phi cho biết châu lục này cần tăng tỷ lệ tiêm chủng lên 6 lần để đạt được mục tiêu 70%.
Nam Phi và Ấn Độ từ tháng 10/2020 dẫn đầu phong trào kêu gọi từ bỏ bằng sáng chế hoặc quyền sở hữu trí tuệ với vaccine Covid-19 với lý do điều này sẽ giúp thúc đẩy sản xuất tại địa phương. Một số quốc gia giàu có sở hữu các công ty dược phẩm lớn phản đối vì cho rằng điều này sẽ không khuyến khích đổi mới.
Tuy nhiên, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi tháng 1 thông báo một thỏa thuận giữa các nước giàu và các quốc gia đang phát triển về miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 có thể đạt được trong vài tuần nữa.
Covid-19 bùng phát hồi tháng 12/2019, sau đó lan ra toàn thế giới với hơn 408 triệu ca nhiễm, hơn 5,8 triệu ca tử vong và hơn 328 triệu người đã bình phục. Khoảng 62% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 và 54% đã hoàn thành liệu trình.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)