Lễ tưởng niệm được tổ chức trước Đồi Capitol ở thủ đô Washington của Mỹ tối 7/2 (sáng 8/2 giờ Hà Nội) với sự tham gia của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, cùng nhiều lãnh đạo quốc hội và các nhà lập pháp lưỡng đảng.
Các nhà lập pháp đã thắp nến, trước khi đứng mặc niệm trên bậc thềm tòa nhà.
Số người chết do Covid-19 tại Mỹ vượt mốc 900.000 hồi cuối tuần trước và hiện ở mức hơn 906.000, theo thống kê của Reuters. Ca tử vong trung bình hàng ngày đã tăng từ giữa tháng 11, khi biến chủng Omicron xuất hiện và lây lan nhanh. Mỹ hôm 27/1 ghi nhận trung bình 2.267 ca tử vong trong 7 ngày, vượt mức đỉnh 2.100 ca trong làn sóng do biến chủng Delta gây ra hồi tháng 9/2021.
Omicron hiện là chủng trội tại Mỹ, nguyên nhân gây ra gần như toàn bộ ca dương tính nCoV mới ở nước này. Dù Omicron được coi là gây triệu chứng nhẹ hơn với phần lớn người nhiễm, biến chủng này lại lây lan nhanh hơn, khiến nhiều người diễn tiến nặng và tử vong hơn.
Biến chủng này cũng có khả năng đe dọa nhóm người cao tuổi, có bệnh lý nền hoặc chưa được tiêm vaccine. "Điều quan trọng là 'triệu chứng nhẹ hơn' không đồng nghĩa với 'triệu chứng nhẹ'", Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky cảnh báo.
Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci tháng trước nhận định Mỹ có thể sắp chạm ngưỡng sống chung với Covid-19, bất chấp số ca nhiễm và nhập viện cao. Ông cho rằng loại bỏ nCoV là phi thực tế, chỉ ra lý do xuất phát từ đặc tính dễ lây lan, xu hướng đột biến thành các biến chủng mới và rất nhiều người chưa tiêm chủng Covid-19.
"Tuy nhiên, khi tỷ lệ nhiễm Omicron tăng rồi giảm, Mỹ sẽ có hy vọng bước vào giai đoạn mới đủ mức độ bảo vệ trong cộng đồng, đủ thuốc để điều trị dễ dàng khi ai đó mắc bệnh và thuộc nhóm nguy cơ cao", ông đánh giá.
Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 78 triệu ca nhiễm. Khoảng 74% người dân Mỹ đã tiêm ít nhất một mũi, trong đó 63% đã tiêm chủng đầy đủ.
Vũ Anh (Theo Reuters)