Ủy ban khẩn cấp của WHO, gồm các chuyên gia độc lập, nhận định số ca nhiễm toàn cầu đang gia tăng. Sự phát triển của virus và áp lực đối với các dịch vụ y tế ở một số quốc gia có nghĩa tình trạng hiện tại còn khẩn cấp.
Theo WHO, số ca mắc mới đã tăng 30% trong hai tuần qua, dù người dân đã có miễn dịch cộng đồng do vaccine hoặc nhiễm bệnh tự nhiên. Tuy nhiên số ca nhập viện và tử vong không tăng mạnh. "Covid-19 còn lâu mới kết thúc. Khi virus tấn công, chúng ta phải đẩy lùi nó", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp báo từ Geneve.
Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc lần đầu tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào ngày 30/1/2020. Đây cũng là mức cảnh báo cao nhất đối với một loại dịch bệnh. Mục tiêu là đẩy nhanh những nghiên cứu, tăng khoản viện trợ các biện pháp y tế công cộng để ngăn chặn dịch bệnh.
WHO đưa ra các biện pháp nhằm đẩy lùi Covid-19 trong giai đoạn mới, khuyến nghị các nước cập nhật kế hoạch và chuẩn bị ứng phó với kịch bản dịch bệnh trở thành đặc hữu.
WHO cũng kêu gọi các quốc gia giải quyết thách thức về truyền thông, phối hợp giữa cộng đồng, các nhà lãnh đạo chính trị và giới khoa học để chống thông tin sai lệch, xây dựng lại lòng tin công chúng sau thời gian dài mệt mỏi vì đại dịch.
Các nước cần đạt được mục tiêu tiêm chủng quốc gia, đảm bảo tỷ lệ bao phủ vaccine là 70% dân số. Người dân cần tiếp tục sử dụng các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch ở cấp độ cá nhân, chẳng hạn đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người, tránh không gian kín khí, rửa tay thường xuyên.
Sau thời gian suy yếu, Covid-19 có xu hướng nóng trở lại trên toàn cầu kể từ tháng 6. Bốn khu vực ghi nhận số ca mắc gia tăng nhiều nhất là Đông Địa Trung Hải, châu Âu, Đông Nam Á và châu Mỹ. Đợt bùng phát mới nhất chủ yếu do hai biến chủng phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 gây ra. Cả hai có chung đột biến khiến khả năng lây truyền cao hơn. Các dấu hiệu ban đầu cho thấy virus có thể trốn tránh miễn dịch một cách hiệu quả.
Trước nguy cơ dịch bệnh giai đoạn mới, các quốc gia Đông Nam Á yêu cầu người dân tiêm vaccine, đeo khẩu trang và xét nghiệm tại nhà.
Việt Nam ngày 27/5 ghi nhận biến chủng phụ BA.5 của Omircon. Giới chức cảnh báo nếu người dân chủ quan trong tiêm mũi vaccine nhắc lại và không chú trọng các biện pháp phòng chống, dịch bệnh có nguy cơ rất cao bùng phát trở lại. Do đó, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid mũi 3, 4 cho người từ 12 tuổi, nhằm ngăn chặn làn sóng Covid mới.
Thục Linh (Theo Reuters)