Báo cáo trước đó do Viện Nghiên cứu Spallanzani tại Italy đưa ra hôm 2/6, nêu rõ bằng chứng cho thấy các mảnh vật chất di truyền của virus xuất hiện trong tinh dịch của 6 bệnh nhân. Đặc biệt, một mẫu thử trong phòng thí nghiệm cho thấy virus có khả năng nhân lên và lây nhiễm sang người khác.
Theo Catherine Smallwood, Giám đốc xử lý dịch bệnh đậu mùa khỉ của WHO tại châu Âu, hiện chưa rõ liệu virus đậu mùa khỉ có thể lây truyền qua đường tình dục hay không. Cơ quan vẫn để ngỏ khả năng này.
"Đây có thể là điều mà chúng ta chưa biết về căn bệnh trước đây. Chúng tôi thực sự chú ý đến các phương thức lây truyền phổ biến nhất. Hiện nay, có thể thấy rõ virus lây truyền qua việc tiếp xúc bên ngoài (qua vết mụn rộp trên da và đường hô hấp)", tiến sĩ Smallwood nhận định.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc tìm thấy DNA của các loại virus nói chung trong tinh dịch không có nghĩa virus này còn hoạt động. Năm 2017, các nhà nghiên cứu Anh tìm thấy vật liệu di truyền của nhiều loại virus khác nhau trong tinh dịch người bệnh, song họ không kết luận điều này làm tăng nguy cơ mầm bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Theo Enrico Bucci, nhà sinh vật học tại Đại học Temple ở Philadelphia, nhìn chung, chưa thể biết chắc đậu mùa khỉ có lây truyền qua tinh dịch hay không. Giới khoa học cần thực hiện nhiều thử nghiệm sâu rộng hơn để khẳng định về khả năng này.
Dữ liệu của Viện Nghiên cứu Spallanzani đưa ra sau khi 30 quốc gia trên thế giới (chủ yếu là châu Âu) đã báo cáo 1.300 ca nhiễm kể từ tháng 5, chưa có trường hợp tử vong. Hầu hết bệnh nhân từng quan hệ tình dục đồng giới.
Đợt bùng phát này gây lo ngại vì trước đây, virus hiếm khi lây lan ra ngoài châu Phi. Các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu nguồn cơn của hiện tượng bất thường này.
Khi virus tiếp tục lan rộng, WHO khuyến nghị tiêm vaccine có mục tiêu cho những ca tiếp xúc gần, bao gồm nhân viên y tế. Tuy nhiên, cơ quan cũng cảnh báo một số nước đang dự trữ nguồn cung một cách thái quá.
"Một lần nữa, quan điểm chạy đua để tiêm chủng trước tiên có thể dẫn đến những hậu quả tai hại. Tôi kêu gọi các chính phủ giải quyết mối nguy hại từ đậu mùa khỉ mà không lặp lại các sai lầm từ đại dịch, lấy tinh thần công bằng, bình đẳng làm trọng tâm", Hans Kluge, Giám đốc WHO khu vực châu Âu, cho biết.
Thục Linh (Theo CNA, Reuters)