Tuyên bố đưa ra sau cuộc họp của các chuyên gia và lãnh đạo WHO vào ngày 23/6. WHO cho biết ủy ban có một số quan điểm khác nhau, nhưng tất cả đã nhất trí rằng ở giai đoạn này, đợt bùng phát không phải là Tình trạng Khẩn cấp về Sức khỏe Cộng đồng (PHEIC).
Trước đó, WHO từng nhận định dịch đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi sẽ không trở thành đại dịch. Theo các chuyên gia, đậu mùa khỉ có khả năng lây lan ít hơn so với Covid-19. Bệnh lây truyền khi tiếp xúc rất gần, phần lớn là chạm da hoặc sờ chạm lâu vào quần áo, chăn gối, ga của người bệnh. Trong khi đó, nCoV và các biến chủng rất dễ lây lan, đặc biệt trong phòng kín, qua tiếp xúc, nói chuyện.
Các triệu chứng của đậu mùa khỉ giống như cúm kèm tổn thương, mụn mủ trên da. Trong đợt dịch mới, mầm bệnh chủ yếu lây nhiễm ở người có quan hệ tình dục đồng giới. Đậu mùa khỉ có vaccine và phương pháp điều trị, dù nguồn cung hạn chế.
Hiện nay, WHO chỉ công nhận Covid-19 và nỗ lực xóa sổ bệnh bại liệt trên toàn thế giới là PHEIC. Tổ chức quyết định không thêm đậu mùa khỉ vào danh sách này sau khi tham khảo khuyến nghị từ các chuyên gia quốc tế trong cuộc họp.
Dù vậy, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn bày tỏ sự quan ngại về đợt bùng phát: "Tôi vô cùng lo lắng về đợt dịch đậu mùa khỉ. Đây rõ ràng là mối đe dọa sức khỏe đang phát triển mà tôi và các đồng nghiệp theo dõi rất chặt chẽ".
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Bồ Đào Nha cho biết virus đậu mùa khỉ có nhiều đột biến hơn dự kiến, khiến các ca nhiễm gia tăng trên khắp Anh và Mỹ. Chủng mới nhất có nhiều hơn 50 biến thể di truyền so với các loại virus liên quan đã lưu hành trong năm 2018-2019.
WHO ghi nhận hơn 3.200 ca nhiễm đậu mùa khỉ và một ca tử vong ở 48 quốc gia nơi dịch bệnh không thường xuyên lưu hành trước đó. Trung Phi, nơi căn bệnh phổ biến hơn, đã có 1.500 trường hợp mắc và 70 người chết, chủ yếu là tại Cộng hòa Dân chủ Congo.
Thục Linh (Theo Reuters)