Theo báo cáo Điểm lại Tình hình Kinh tế Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, nguyên nhân dẫn tới việc hạ dự báo tăng trưởng là tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn gần đây đã ảnh hưởng xấu lên nông nghiệp. Sản xuất công nghiệp cũng có xu hướng chậm lại.
"Chúng tôi dự báo tăng trưởng năm nay sẽ đạt khoảng 6%. Tuy tốc độ chậm lại, viễn cảnh kinh tế trong trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực", ông Achim Fock - Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, "Để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam cần tiếp tục cải tổ cấu trúc để tăng năng suất lao động".
Báo cáo cũng nhận xét giá cả vẫn nằm trong tầm kiểm soát, dù vài tháng gần đây lạm phát tăng nhẹ. Tuy nhiên, tín dụng từ đầu năm lại tăng tới 18%. Ngân hàng Nhà nước đã phải thắt chặt quy định để kiềm chế sức tăng này.
WB còn lo ngại về tình trạng mất cân đối tài khoá. Cuối năm 2015, thâm hụt ngân sách ước tính gần 6,5% GDP. Nợ công của Việt Nam hiện tương đương khoảng 62,2% GDP và đang tiến nhanh đến mức trần 65%. Kết quả sơ bộ thu chi 6 tháng đầu năm cho thấy áp lực ngân sách sẽ còn tiếp diễn.
"Chính phủ đã cam kết duy trì nợ công ở mức bền vững và tái tạo bộ đệm tài khóa", Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - ông Sebastian Eckardt nhận xét, "Vấn đề bây giờ là phải thực hiện cam kết đó bằng hành động cụ thể, nhằm cân đối ngân sách trong trung hạn. Các nỗ lực thu hẹp thâm hụt tài khoá cần được phối hợp với các chính sách cải cách, để duy trì đầu tư vào dịch vụ công và cơ sở hạ tầng thiết yếu".
Báo cáo cũng đề cập đến tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam. WB cảnh báo việc này sẽ ảnh hưởng lên thị trường lao động, mang lại nhiều thách thức cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, và cả người dân.
Hà Thu