Số liệu báo cáo của Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA) cho thấy, năm 2013 Việt Nam tiêu thụ 5,2 tỷ gói mì, nhưng đến 2014 giảm xuống còn 5 tỷ gói và 2015 còn 4,8 tỷ gói. Việt Nam đang là quốc gia xếp thứ 4 về tiêu thụ mì trên thế giới sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản.
Theo Hiệp hội, sở dĩ lượng tiêu thụ mì gói tại thị trường Việt Nam giảm mạnh 2 năm qua là do xu hướng chung trên thế giới. Người tiêu dùng chưa hiểu rõ về sản phẩm nên còn hoang mang. Nhiều thông tin về sản phẩm này thiếu chính xác khiến khách hàng bất an và giảm sử dụng.
Ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cho biết, cũng chịu ảnh hưởng bởi xu hướng trên nên 2 năm qua sức tiêu thụ mì của công ty tại thị trường Việt Nam và trên thế giới có sụt giảm. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay thị trường đã có dấu hiệu phục hồi.
"6 tháng đầu năm công ty bán ra thị trường khoảng 1,3 tỷ gói mì, xuất khẩu 100 triệu gói, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, các sản phẩm làm từ gạo như phở và bún tăng 25%, miến tăng 32% và mì ly tăng 45%. Tuy nhiên, các sản phẩm làm từ gạo, miến và mì ly chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong tổng doanh thu. Năm nay, với sức tiêu thụ khả quan công ty kỳ vọng cung ứng ra thị trường 2,9 tỷ gói mì với doanh thu 9.000 tỷ đồng", ông Kajiwara Junichi nói.
Lãnh đạo Acecook cũng cho biết thêm, Việt Nam đang là nơi có chi phí sản xuất tốt nhất nên sản phẩm của công ty tại thị trường Việt Nam được xuất khẩu đi 46 nước trên thế giới. Hiện doanh thu bán hàng từ Việt Nam đóng góp 50% tổng doanh thu toàn công ty. Đáng chú ý là lợi nhuận thu được từ thị trường Việt Nam cao hơn Nhật Bản. Sắp tới để phát triển mạnh tại thị trường Việt, công ty sẽ đẩy mạnh sản xuất sản phẩm mì ly có chứa nhiều rau để đáp ứng nhu cầu cao cấp của người tiêu dùng, đồng thời, nâng số lượng sản phẩm làm từ gạo vì đây đang là xu hướng trong tương lai.
Hiện, thị trường mì ăn liền Việt Nam có hàng chục doanh nghiệp lớn nhỏ. Tuy nhiên, phần lớn thị phần đang thuộc về 3 doanh nghiệp dẫn đầu là Acecook, Masan Consumer và Asia Foods.
Thi Hà