Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương vừa được WB công bố ngày 7/10 nhận định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã cải thiện và tương đối ổn định. Điều này cũng giúp tái tạo lòng tin đối với nhà đầu tư.
Lạm phát giảm liên tục trong vòng 2 năm qua và dừng ở mức 7,3% vào tháng 7/2013 (lạm phát tính theo năm), cán cân thương mại thặng dư nhờ xuất khẩu tăng nhanh, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng từ 1,6 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2011 lên 2,8 tháng trong quý I/2013. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tăng gần 18% năm 2012 và khoảng 19% trong 7 tháng đầu năm 2013 sau khi giảm liền hai năm 2010 và 2011.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng ì ạch trên thế giới và tốc độ tái cơ cấu diễn ra chậm cũng khiến tăng trưởng của Việt Nam bị chậm lại. "Nền kinh tế Việt Nam đang rơi vào thời kỳ tăng trưởng chậm dài nhất kể từ khi bắt đầu đổi mới vào thập niên 1980 tới nay. Tăng trưởng GDP giảm từ 6,4% năm 2010 xuống 6,2% năm 2011 và 5,2% năm 2012. Gần 29.000 doanh nghiệp đã đóng cửa, thanh lý hoặc tạm dừng hoạt động trong nửa đầu năm 2013, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2012 trong khi con số đăng ký mới là 39.000", các chuyên gia của WB đánh giá.
Nhận thấy tình hình kinh tế khó khăn, Chính phủ đã áp dụng một loạt biện pháp thúc đẩy tăng trưởng như cắt giảm lãi suất, giãn, giảm thuế nhằm giúp các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Song, từ đầu năm đến tháng 7/2013, tổng lượng tín dụng bơm vào nền kinh tế mới chỉ tăng 5%, thấp hơn mức kế hoạch cả năm 12%.
Nguyên nhân khiến hoạt động tín dụng kém sôi động là do ngân hàng không tích cực cho vay vì bảng cân đối tài sản còn xấu, tình hình tài chính không lành mạnh của doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, nhu cầu vay tín dụng cũng giảm do viễn cảnh kinh doanh ảm đạm.
Điều này dẫn tới tình trạng kinh tế trì trệ vẫn kéo dài, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 4,9% trong quý I và 5% trong quý II/2013.
Tài chính công Việt Nam cũng chịu nhiều áp lực trong những năm gần đây do tăng trưởng kém, nguồn thu giảm và tăng chi kích cầu. Năm 2012 thâm hụt ngân sách tăng lên mức 4,8% GDP do tỷ lệ thu trên GDP giảm. Thâm hụt ngân sách tăng dẫn tới nợ chính phủ cũng tăng từ 48% GDP năm 2011 lên 52% GDP năm 2012.
"Tuy mức nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn nằm dưới ngưỡng cho phép, Việt Nam vẫn cần phải kiểm soát bội chi nhằm đảm bảo tính bền vững tài khóa trung hạn", WB khuyến nghị.
Bên cạnh đó, cơ quan này cho rằng nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ làm gia tăng quan ngại về chất lượng tín dụng và bất ổn kinh tế vĩ mô. Do vậy, Việt Nam cần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp tục tái cơ cấu theo chiều sâu, trong đó tập trung vào doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng.
Năm 2013, WB vẫn giữ nguyên dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng vừa phải ở mức 5,3%. Cán cân thương mại và cán cân vãng lai tiếp tục thặng dư nhưng mức thấp hơn năm 2012. Song, tổ chức này nhấn mạnh thành tích vĩ mô của Việt Nam vẫn chưa chắc chắn và vẫn đối mặt với một số rủi ro.
"Tăng trưởng chậm có thể đòi hỏi tiếp tục nới lỏng tiền tệ và tài khóa dẫn đến tăng lạm phát và ảnh hưởng xấu lên tất cả những thành tích vừa đạt được. Ngoài ra, nếu quá trình tái cơ cấu vẫn bị trì hoãn thì lòng tin của các nhà đầu tư sẽ bị xói mòn và tác động tiêu cực lên tăng trưởng", báo cáo cho biết.
Phương Linh