“Tại sao chúng ta lại duy trì những chính sách kìm nén sự phát triển kinh tế đất nước?”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - Trần Đình Thiên đặt vấn đề tại phiên thảo luận sáng nay.
Theo ông, từ khủng hoảng toàn cầu và suy thoái kinh tế năm 2008, đến nay thế giới đã bước vào quỹ đạo phục hồi, nhưng Việt Nam vẫn đang trong lộ trình “xuống đáy”, với mối lo tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia cho hay, đây là giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài nhất kể từ đầu thập niên 1990. "Kinh tế Việt Nam lâm vào tình trạng bất ổn từ năm 2008, và dù dần hồi phục vào cuối năm 2012 do những chính sách kích thích tổng cầu nhưng bước vào năm 2013, vẫn đối mặt với nhiều thách thức", ông nói.
Theo ông, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhưng nguy cơ bùng phát trở lại vẫn rình rập bởi những nguyên nhân nội tại của nền kinh tế chưa được giải quyết. Nợ xấu chưa cải thiện, tình trạng thừa tiền thiếu vốn còn kéo dài, những nỗ lực làm ấm thị trường bất động sản cũng chưa thể mang lại kết quả nên thanh khoản khó được cải thiện.
Năm 2013 cũng xuất hiện vấn đề mới có nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô, đó là thâm hụt ngân sách do nguồn thu không đạt kế hoạch. Ông Lịch nhận xét: "Thâm hụt diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, doanh nghiệp thua lỗ, thị trường bất động sản đóng băng đang trở thành vấn đề nan giải cho bài toán ngân sách trong hai năm tới".
Chính phủ đã thông qua đề án tái cơ cấu kinh tế đến năm 2015. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình triển khai rất chậm chạp và chưa mang lại hiệu quả. "Tái cơ cấu đầu tư chưa đụng đến cốt lõi vấn đề vận hành ngân sách Nhà nước, nợ xấu và sở hữu chéo vẫn còn nguyên, tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế Nhà nước mới thực hiện trên giấy", ông Thiên đánh giá.
Viện trưởng Viện Kinh tế còn lo lắng hơn khi nghĩ tới chất lượng thống kê hiện nay, đe dọa tính hiệu quả của các bài toán kinh tế. "Số liệu tăng trưởng GDP các tỉnh gấp đôi toàn quốc, và cả hai đều là số liệu chính thức thì sự thực ở đâu? Sai số hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu, thu chi ngân sách... trong các báo cáo chẳng lẽ lại trở thành chuyện bình thường", ông Thiên dẫn chứng.
Tiến sĩ Trần Du Lịch dự báo tăng trưởng GDP năm nay chỉ có thể đạt 5,2%, thấp hơn mục tiêu 5,5% Chính phủ đã đề ra. Lạm phát cả năm được kiểm soát ở mức khoảng 7%. Sang năm 2014, ông Lịch đánh giá kinh tế vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn trì trệ, dự báo GDP tăng 5,5% và CPI tăng 7%.
Chuyên gia này nhấn mạnh không nên đặt nặng mục tiêu tăng trưởng GDP mà cần cải cách thể chế hiện nay. "Tôi dám chắc với cơ chế ngân sách như hiện nay, nếu phát hành trái phiếu trả nợ cũ thì vừa trả hết đã lại phát sinh ra nợ mới. Chúng ta phải sắp xếp tất cả lại trên một mặt phẳng mới mong đưa nền kinh tế phát triển”, ông phát biểu.
Trong ngắn hạn, ông Trần Du Lịch cho rằng vẫn cần ưu tiên giải quyết nợ xấu của ngân hàng thương mại để xử lý điểm nghẽn của tín dụng, tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thụ vốn. Bên cạnh đó, phải xử lý một phần nợ xây dựng cơ bản mà ngân sách đang nợ doanh nghiệp và đưa gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản hướng nhiều hơn đến phân khúc nhà ở phổ thông, hỗ trợ trực tiếp người mua chứ không hỗ trợ trực tiếp người bán.
Kế hoạch kinh tế 5 năm đã trải qua ba phần năm chặng đường, nhưng đến nay triển vọng phục hồi rất chậm. Một phân tích mới đây chỉ ra, tăng trưởng kinh tế giai đoạn này chỉ ước đạt 5,8%, thấp hơn mục tiêu 6,5-7% Quốc hội thông qua.
"Nếu nền kinh tế Việt Nam không đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 7- 8% mỗi năm trong vòng vài thập niên thì không thể kỳ vọng công nghiệp hóa thành công", ông Lịch cảnh báo. Do vậy, tiến sĩ Trần Du Lịch đề xuất một chương trình trung hạn để phục hồi kinh tế nhằm chấm dứt tình trạng ban hành giải pháp theo kiểu “ăn đong” như vừa qua.
Đầu tiên, ông cho rằng cần thực hiện chính sách "lạm phát mục tiêu" với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7% mỗi năm trong 3 năm 2013-2015 và dưới 5% trong các năm tiếp theo. "Lạm phát mục tiêu sẽ tạo ra dư địa cho chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cũng như lộ trình điều chỉnh giá cả dịch vụ, hàng hóa công cộng, mà không gây ra lạm phát do chi phí đẩy", ông Lịch cho biết.
Dựa trên chính sách "lạm phát mục tiêu", vị này khuyến nghị chính sách tiền tệ và tài khóa phải phục vụ cho mục tiêu huy động tổng đầu tư xã hội từ 30-32% GDP trong 3 năm sắp tới. Đồng thời, Chính phủ cần mạnh dạn tăng chi tiêu công để kích thích tăng tổng cầu, với các giải pháp như tăng trần bội chi ngân sách so với mức 4,8% GDP hiện nay, phát hành trái phiếu Chính phủ ngoài định mức 45.000 tỷ đồng mỗi năm nhằm thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và các công trình xây dựng dang dở.
"Chúng ta ý thức việc phải bảo đảm an toàn của nợ công, nhưng trong tình thế hiện nay, chính đầu tư công là giải pháp có tác động nhanh nhất để kích thích sự tăng tổng cầu của nền kinh tế, khi mà chính sách tiền tệ đang có tác dụng hạn chế. Một khi nền kinh tế hấp thụ được vốn tốt hơn, có điều kiện để tăng tín dụng, thì sẽ giảm đầu tư công, khuyến khích đầu tư tư nhân, cân bằng mức nợ công như Quốc hội đã cho phép", ông Lịch nhận định.
"Nhiệm vụ của năm 2 năm tới là phải phục hồi niềm tin của thị trường thông qua các chính sách kinh tế trung, dài hạn và kết quả của quá trình tái cơ cấu, trong đó tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và khu vực doanh nghiệp Nhà nước là quan trọng nhất", vị đại biểu Quốc hội này phát biểu.
Nguyễn Đông - Huyền Thư