Tại Hội thảo Khoa học "Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015 và những điều chỉnh chiến lược" được tổ chức ngày 23/9, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: "Nhiều mục tiêu của kế hoạch 5 năm có khả năng không thực hiện được. Ngay trong năm 2013, có tới 7 trên 15 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra như tốc độ tăng trưởng GDP, giá trị gia tăng công nghiệp, xây dựng, giải quyết việc làm. Dư địa chính sách cho mô hình tăng trưởng hiện tại không còn nhiều".
Chấp bút cho báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế, GS-TS Trần Thọ Đạt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng nhận xét, nửa chặng đường đã qua đi nhưng khả năng thực hiện được các mục tiêu theo đúng kế hoạch là "rất mong manh". Tốc độ tăng GDP giai đoạn 2011- 2015 được kỳ vọng 6,5-7%, lạm phát ở 5-7%. Tuy nhiên, tính toán hiện nay cho thấy GDP giai đoạn này chỉ ước tăng 5,8%, lạm phát lên tới 9,2%.
"Việc nhiều chỉ tiêu kinh tế 5 năm dự kiến không đạt kế hoạch dẫn đến nguy cơ Việt Nam ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực", Trưởng Ban kinh tế trung ương Vương Đình Huệ nhận định. Điều này cũng được thể hiện qua nghiên cứu của nhóm chuyên gia kinh tế trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng trung bình của Việt Nam bắt đầu giảm nhanh và liên tục từ cuối năm 2007, đến năm 2012 nằm ở mức thấp nhất kể từ năm 2000. Trong khi đó, tốc độ tương ứng tại các nước ASEAN-5 đều khởi sắc hơn kể từ cuối 2009, sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tương tự, về lạm phát, dù đã giảm trong năm 2012 nhưng thống kê tại Việt Nam vẫn là cao nhất so với các thành viên cũ của ASEAN.
"Trong khi tăng trưởng khu vực đang có xu hướng gia tăng, lạm phát thấp thì Việt Nam đối diện với tốc độ tăng trưởng suy giảm liên tục nhưng giá cả lại cao. Không những thế, biến động lạm phát ở Việt nam cũng cao hơn nhiều, điều này phản ánh sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát tại Việt Nam là lớn so với các nước trong khu vực và bất ổn vĩ mô vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát", nhóm chuyên gia phản ánh.
Trước khả năng "vỡ kế hoạch kinh tế 5 năm", tiến sĩ Trần Thọ Đạt khuyến nghị nên điều chỉnh một số chỉ tiêu như giảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm từ mức 6,5 - 7% về còn 5,4%; mục tiêu lạm phát năm 2015 tăng từ 5-7% lên 7%... Bên cạnh đó, ông cho rằng cần điều chỉnh lại thời gian thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020.
"Nên lùi thời gian này thêm 15-20 năm nữa đến năm 2035 - 2040". Ông dẫn chứng, với tốc độ tăng trưởng hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2015 khoảng 2.200 USD và đến năm 2020 khoảng 4.000 USD một năm, song ở các nước công nghiệp hiện đại thì thu nhập ít nhất phải 10.000 USD một năm, do đó, "cần phải đợi 10 - 20 năm nữa".
Tuy nhiên, đề xuất trên đã vấp phải sự phản bác của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và các chuyên gia kinh tế. "Tôi không chấp nhận đề nghị của giáo sư" bởi "điều chỉnh thì dễ những chẳng để làm gì" khi những yếu kém vẫn chưa được giải quyết, ông Khoan thẳng thắn. Tương tự, việc trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020 cũng không phải vấn đề "cháy bỏng" mà trọng tâm là phải bằng cách nào thực hiện công nghiệp hóa, tránh tình trạng đi lệch đường, nguyên Phó Thủ tướng nhận định.
Đồng tình với quan điểm của ông Vũ Khoan, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cũng nhận định: "GDP tính chẳng đúng, nhất là các tỉnh khi tỉnh nào cũng cao hơn mức trung bình của cả nước". Do đó, ông tán đồng với ý kiến không nên quá coi trọng con số mà cần phải xem xét lại chủ trương, đường lối để đạt được những mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế chỉ ra "yếu điểm" của kinh tế Việt Nam, dẫn tới không đạt kế hoạch 5 năm. Khi các ý kiến đều cho rằng nguyên nhân là ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những yếu kém nội tại thì theo ông Vũ Khoan, đây không phải những lý do chủ yếu.
"Tôi không tin khủng hoảng kinh tế là nguyên nhân chủ yếu vì nhiều quốc gia cũng bị ảnh hưởng nhưng đâu đến nỗi như Việt Nam. Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến thế giới như xuất khẩu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng không sụt giảm. Vậy tại sao lại đổ cho nó. Ngoài ra, khó khăn nội tại của nền kinh tế cũng đã tồn tại từ lâu rồi, nhưng trước đây không đến nỗi bộc lộ như hiện nay", ông phát biểu. Từ đó, ông khẳng định, chính những sai lầm chủ quan dẫn đến bất ổn vĩ mô mới là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế "lổm nhổm" như giai đoạn vừa qua.
Trong khi đó, GS-TS Nguyễn Quang Thái - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam bày tỏ việc lập kế hoạch đang gặp rất nhiều vấn đề, xuất phát từ nhận dạng tình hình trong nước và quốc tế còn yếu kém, không dám nhìn thẳng sự thực. Cùng với đó, có nhiều mục tiêu xác định không được nhưng vẫn cố làm, mắc bệnh thành tích. Ông dẫn chứng bằng chính sự "trớ trêu" của số liệu GDP các tỉnh thành với GDP cả nước.
"Ba năm gần nhất GDP bình quân của các tỉnh tăng khoảng 12%, trong khi của cả nước mới chỉ tăng dưới 6%. Quả là sự trớ trêu khi trước đó sự khác biệt mới chỉ ở mức gấp rưỡi, nay đã tăng lên gấp đôi", ông Thái phát biểu.
Trước tình hình trên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ "hiến kế" nên chăng cần có một chương trình trung hạn (từ nay đến hết năm 2015) để phục hồi kinh tế, khôi phục niềm tin cho thị trường với chủ đạo là thực hiện chính sách "lạm phát mục tiêu" với mức tăng CPI khoảng 7% mỗi năm cho ba năm 2013 - 2015 và có thể dưới 5% cho các năm tiếp theo. Cùng với đó, đặt mục tiêu tăng trưởng hợp lý bằng khoảng 6% cho giai đoạn 2014 - 2015.
"Cần phải có sự ưu tiên nào đó cho tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn phải trong khuôn khổ kiểm soát lạm phát, và chính sách này giúp giải quyết hài hòa giữa hai mục tiêu trên", ông Huệ nói.
Bên cạnh đó, cần quyết liệt đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, khơi thông những nút thắt thể chế để hồi phục tăng trưởng, tạo nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng. Huy đọng những nguồn lực thực để hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, đề ra những hành động, kế hoạch, đề án cụ thể để triển khai đề án trên, vị này cho biết.
Huyền Thư