Trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm qua, tỷ phú cho biết: "Nếu Hy Lạp rời đi, việc đó chưa hẳn đã là điều xấu với eurozone. Nếu mọi người hiểu được rằng phải tuân theo quy định, cùng thống nhất về các chính sách tài khóa chung giữa các thành viên, hoặc điều gì tương tự, đó có thể là điều tốt ấy chứ".
Quốc gia nặng nợ nhất châu Âu đang mắc kẹt trong đàm phán với các nước khu vực đồng euro và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về các điều khoản của gói cứu trợ 240 tỷ euro (260 tỷ USD). Sự đình trệ này có thể khiến Hy Lạp vỡ nợ trong vài tuần tới và phải rời eurozone.
Thủ tướng Hy Lạp - Alexis Tsipras đang tìm kiếm sự đồng thuận từ Quốc hội nhằm đảm bảo gói cứu trợ, sau khi kế hoạch củng cố tài chính quốc gia của ông không làm hài lòng các chủ nợ châu Âu. Vì việc này, đồng euro đã có quý giảm mạnh nhất so với USD từ khi ra mắt, theo số liệu của Bloomberg.
"Tôi vẫn luôn cho rằng đồng euro gặp vấn đề cấu trúc ngay từ khi được đưa vào lưu thông. Nhưng nó không có nghĩa đồng tiền này sẽ sụp đổ. Anh có thể thích nghi với các rắc rối đó, nhưng một số quốc gia thì không và sẽ phải ra đi. Eurozone đâu nhiết thiết phải có chính xác số thành viên như bây giờ", ông cho biết.
Charles Munger - Phó chủ tịch Berkshire Hathaway - công ty đầu tư của Warren Buffett tuần trước cũng đã chỉ trích cuộc bỏ phiếu của người dân Hy Lạp. Chính trị nước này đã rung lắc hồi tháng 1 khi đảng Syriza của Thủ tướng Tsipras thắng cử với cam kết nới lỏng các biện pháp thắt lưng buộc bụng và đàm phán xóa một phần nợ cho Hy Lạp.
Buffett cho biết trong tương lai, các nước khu vực đồng euro sẽ phải phối hợp với nhau chặt chẽ hơn về vấn đề luật lao động, thâm hụt tài khóa và quy tắc quản trị kinh tế chung. "Họ sẽ không thể tiếp tục nếu các thành viên cứ đi theo những hướng quá khác nhau thế này. Người Đức sẽ không thể chu cấp cho người Hy Lạp mãi được đâu".
Hà Thu