Theo các chuyên gia kinh tế, chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ làm tăng lạm phát năm 2015 ở eurozone thêm 0,3%, chủ yếu do đồng euro yếu đi. Đồng euro đã xuống đáy 12 năm so với USD sau khi ECB công bố chi tiết kết quả tuần đầu tiên của chương trình mua lại trái phiếu. Chương trình này vốn được đưa ra nhằm tăng nguồn cung tiền trong lưu thông.
Chủ tịch ECB - Mario Draghi đưa ra chương trình nới lỏng trị giá 1.100 tỷ USD với hi vọng có thể cứu nền kinh tế khỏi suy thoái và giảm phát. Tuy thừa nhận những lợi ích kinh tế mà đồng euro yếu mang lại, ông vẫn phủ nhận mình đang cố duy trì nội tệ yếu.
Ngoài thúc đẩy lạm phát, nội tệ yếu còn đem lại lợi thế cạnh tranh cho lĩnh vực xuất khẩu. Lãi suất trái phiếu từ Đức đến Tây Ban Nha đều đi xuống (nhờ QE) có thể giúp giảm chi phí đi vay của Chính phủ. Tuy vậy, nó cũng không tác động trực tiếp đến tăng trưởng. Poul Kobberup - Giám đốc Đầu tư tại Quỹ hưu trí PFA Pension cho biết: "Đồng euro suy yếu có lẽ là nhân tố quan trọng nhất giúp kinh tế châu Âu khởi sắc".
Hôm qua, một euro chỉ đổi được gần 1,05 USD, yếu nhất từ tháng 1/2003. Từ đầu năm, đồng tiền này đã mất giá 13%, có khả năng biến quý I/2015 thành quý giảm giá mạnh nhất từ trước đến nay. Việc eurozone phụ thuộc vào xuất khẩu, khi mảng này chiếm tới 50% GDP, đã khiến sự trượt dốc này đặc biệt có tác dụng. Hôm qua, ECB cho biết đã mua lại 9,75 tỷ euro trái phiếu tuần trước.
Tuần trước, ngân hàng Goldman Sachs dự đoán trong 6 tháng tới, euro sẽ ngang giá với USD. Các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg cũng hy vọng chuyện này xảy ra, bởi nó sẽ đem lại lợi ích cho nền kinh tế.
Nhà kinh tế học Christopher Matthies cho biết: "Khi đà phục hồi tăng tốc, lạm phát cơ bản sẽ tăng đáng kể do đồng euro yếu", ông nói. Bên cạnh đó, theo hãng nghiên cứu ING DiBa, euro cứ giảm giá 10% so với các đồng bạc khác, GDP khu vực này sẽ tăng thêm 0,3%.
Dù vậy, Draghi vẫn còn phải nỗ lực nhiều nữa mới có thể biến việc này thành lợi ích kinh tế hữu hình. GDP khu vực đồng euro chỉ tăng 0,9% năm 2014, trong khi chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,3% tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều cho rằng Draghi sẽ thành công. Chuyên gia kinh tế Peter Dixon cho rằng đồng euro rẻ khó có thể thúc đẩy tăng trưởng khi các mắt xích yếu nhất trong khu vực lại không phải những nước xuất khẩu lớn. Bên cạnh đó, nhu cầu trên thế giới vẫn còn thấp. "Nếu cầu không lớn thì đồng tiền yếu hơn nữa cũng chẳng giúp được là bao. Cầu mới thực sự là vấn đề", Dixon cho biết thêm.
Ignazio Visco - Thống đốc ngân hàng Italy thì cho rằng câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu đồng euro có đang giảm giá quá nhanh so với kỳ vọng. Dù vậy, ông cũng thừa nhận chương trình mua trái phiếu sẽ giúp giảm bớt những bất ổn trong nền kinh tế.
Thanh Tuyền (theo Bloomberg)