Tuần trước, căng thẳng tại châu Âu đã dâng cao khi Chính phủ mới của Hy Lạp tuyên bố sẽ không đàm phán với bộ ba chủ nợ, gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Khi Hy Lạp từ chối các khoản vay mới từ quốc tế, câu hỏi đặt ra là họ sẽ lấy tiền từ đâu?
Nước này đã bắt đầu lên kế hoạch tăng lương tối thiểu, có nghĩa Athens không còn tuân theo các điều khoản của gói cứu trợ nữa. Họ cũng thông báo Chính phủ mới đã thuê hãng tư vấn tài chính Lazard để thỏa thuận xóa một khoản nợ lớn cho Hy Lạp.
Nghe được tin tức này, Thủ tướng Đức - Angela Merkel đã tuyên bố: "Tôi sẽ không xóa nợ". Trong khi đó, Thủ tướng mới của Hy Lạp - Alexis Tsipras lại trấn an: "Không bên nào muốn có xung đột cả. Và chúng tôi cũng không có ý định hành động đơn phương trong vấn đề nợ của Hy Lạp".
Tuần này, các cuộc đàm phán thực sự sẽ bắt đầu. Cả ông Tsipras và Bộ trưởng Tài chính - Yanis Varoufakis đều lên kế hoạch tìm kiếm đồng minh. Ông Tsipras sẽ tới Rome và Paris tuần này. Nhưng họ sẽ không tới Berlin.
Theo BBC, những việc này cần thực hiện nhanh chóng. Do các thỏa thuận cứu trợ Hy Lạp sẽ hết hiệu lực ngày 28/2. Nếu không được gia hạn, ECB sẽ phải ngừng cho Hy Lạp vay tiền. Bên cạnh đó, Athens cũng sẽ không nhận được 7,2 tỷ euro - khoản tiền tiếp theo trong gói cứu trợ sau khi xem xét tiến trình cải tổ.
Chính phủ mới đã mạnh bạo tuyên bố sẽ không chấp nhận các khoản vay mới từ IMF-EU, làm dấy lên câu hỏi về việc nước này có thể cầm cự đến bao giờ mà không cần thỏa thuận mới. Chiến lược của Tsipras là đàm phán trực tiếp với Chính phủ các nước châu Âu, không thông qua quan chức EU. Họ sẽ tới Paris và Rome trước, do cho rằng hai nước này đồng cảm hơn với quan điểm của Hy Lạp, rằng thắt lưng buộc bụng là thảm họa với châu Âu.
Tsipras cho rằng khối nợ hiện chiếm 175% GDP Hy Lạp là không bền vững. Nhưng nếu muốn xóa nợ, họ cũng sẽ gặp trở ngại rất lớn. "Các chủ nợ cá nhân và ngân hàng đã xóa hàng tỷ USD cho Hy Lạp rồi", bà Merkel cho biết. 76% người Đức đã bỏ phiếu không nhân nhượng Hy Lạp. Người Hà Lan, Phần Lan và Tây Ban Nha cũng vậy.
Viễn cảnh tốt nhất mà Athens có thể kỳ vọng là thỏa thuận cứu trợ hiện tại được gia hạn. Các chủ nợ cũng có thể điều chỉnh thời gian đáo hạn của một số khoản nợ và yêu cầu trả nợ theo tăng trưởng của Hy Lạp.
Những việc này sẽ khiến Hy Lạp ít tốn kém hơn. Nhưng Đức sẽ chỉ cân nhắc chúng nếu Chính phủ mới tiếp tục tuân theo các điều khoản cải cách theo chương trình cứu trợ hiện tại.
Và đó chính là điều khiến sẽ các cuộc đàm phán trở nên phức tạp. Đảng Syriza thắng cử vì tuyên bố các điều khoản cứu trợ đã phá nát kinh tế Hy Lạp và gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Bộ trưởng Tài chính mới của Hy Lạp đã ngừng tư nhân hóa hai cảng biển, chuẩn bị tăng lương tối thiểu và tuyển dụng lại một số công chức nhà nước. Nếu tất cả kế hoạch của Chính phủ mới được thực hiện, nghĩa là họ đã phá vỡ thỏa thuận cứu trợ.
Ông Jeroen Dijsselbloem - Chủ tịch Eurogroup đã cảnh báo "hành động đơn phương hoặc bỏ qua các thỏa thuận không phải biện pháp tiến lên". Nhưng Alexis Tsipras thì tin rằng thỏa thuận hiện tại là một thảm họa và ông có quyền đòi hỏi thay đổi.
Việc này đã cho thấy sự hạn chế về dân chủ trong EU. Bộ trưởng Tài chính Đức - Wolfgang Schaeuble từng nói: "Bầu cử không thay đổi được gì cả. Quy tắc là quy tắc". Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) - Jean-Claude Juncker cũng cho rằng: "Không có lựa chọn dân chủ trong các hiệp ước của châu Âu. Một nước không thể rời eurozone mà không rời EU".
Nhưng người Hy Lạp và sự khó khăn của họ cũng không thể bị bỏ quên dễ dàng. Nó đang khiến nhiều đảng phái châu Âu thêm nghi ngờ về việc hình thành EU ngay từ đầu.
Vì vậy, việc này có thể giúp hai bên đạt thỏa thuận. Hy Lạp có thể được gia hạn nợ và điều chỉnh việc trả nợ theo tăng trưởng kinh tế, đồng thời giảm tải một số điều khoản cứu trợ.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ Alexis Tsipras sẽ phải thất hứa vài điều với cử tri. Trong chiến dịch tranh cử, ông tuyên bố ngày đầu tiên nhậm chức sẽ là ngày chấm dứt thắt lưng buộc bụng. Ông cũng cam kết sẽ giảm nợ cho Hy Lạp.
Bà và các lãnh đạo khác không chỉ lo ngại người dân không sẵn sàng nhượng bộ Hy Lạp. Mà nếu giúp, việc này cũng sẽ trở thành tiền lệ với với các nước khác trong eurozone.
Các lãnh đạo châu Âu sẽ phải làm mọi việc có thể để giữ Hy Lạp ở lại eurozone. Bất kể tuyên bố điều gì, họ đều lo ngại Hy Lạp rời đi sẽ là khởi đầu cho chuỗi sự kiện bất ngờ làm rung chuyển EU và suy yếu khu vực đồng euro.
Giới chức cũng muốn có một thỏa thuận, do cuộc khủng hoảng tiền tệ hiện tại đã phơi bày một số nhược điểm của châu Âu. Sự khác biệt giữa các nước phía bắc và nam tại eurozone rất rõ rệt. Tâm lý phản đối các biện pháp đối phó khủng hoảng mà Đức vạch ra cũng ngày càng tăng.
Nếu không nhượng bộ, sự thống nhất của eurozone sẽ bị đe dọa. Đó cũng chính là lý do quan chức châu Âu cho rằng những tuần tới sẽ quan trọng không kém những ngày đen tối năm 2011 và 2012.
Hà Thu