Truyền hình quốc phòng Nga hôm 14/6 công bố video trực thăng Ka-52 phóng tên lửa dẫn đường Vikhr nhằm vào đội hình cơ giới Ukraine, trong đó một thiết giáp bị bắn nổ từ khoảng cách 8,2 km. "Mọi nỗ lực tiến quân của Ukraine ở hướng Zaporizhzhia đều phản tác dụng, nhưng họ vẫn quyết thực hiện các đợt tấn công vô nghĩa", Bộ Quốc phòng Nga nói.
Các loại trực thăng vũ trang đang được quân đội Nga tận dụng triệt để nhằm đối phó cuộc phản công lớn của Ukraine. Ngoài phi đội Ka-52, nhiều trực thăng Mi-24 và Mi-28 cũng được huy động cho hoạt động này.
Trực thăng Ka-52 Nga tấn công thiết giáp Ukraine trong video công bố hôm 14/6. Video: Zvezda
"Dù không có nhiều hình ảnh được công bố, quân đội Nga đã tăng đáng kể cường độ sử dụng trực thăng tấn công như Ka-52 và không quân chiến thuật", Guy Plopsky, học giả Mỹ chuyên nghiên cứu về quốc phòng Nga, nhận định.
Ảnh vệ tinh thương mại chụp từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 cho thấy Nga đã triển khai thêm 20 trực thăng đến sân bay Berdyansk tại tỉnh Zaporizhzhia. Lực lượng đồn trú ở đây hiện gồm 5 chiếc Ka-52, 9 trực thăng Mi-8 và Mi-24, cùng 13 phi cơ Ka-27/29 của hải quân.
"Sự thiếu vắng các tổ hợp phòng không tầm ngắn di động ở tiền tuyến đã tạo ra những vùng chết có bán kính 15 km trong lưới phòng thủ của Ukraine, cho phép trực thăng Ka-52 hoạt động tự do với mức độ an toàn cao hơn. Khoảng cách này khiến trực thăng có thể phóng tên lửa hủy diệt thiết giáp ở khu vực trống trải nhưng vẫn không lọt vào ô phòng không đối phương", Plopsky cho hay.
Trực thăng Nga thường bay ở độ cao rất nhỏ, lợi dụng địa hình và địa vật che chắn, cũng như hoạt động mạnh về đêm để hạn chế nguy hiểm từ các tổ hợp phòng không tầm ngắn và tên lửa vác vai.
Vũ khí chính được Ka-52 Nga sử dụng trong các cuộc tập kích thiết giáp Ukraine là tên lửa 9K121 Vikhr ứng dụng cơ cấu dẫn đường bám chùm laser, có tầm bắn tối đa 10-12 km và tốc độ gấp 1,8 lần vận tốc âm thanh.
Quả đạn được trang bị đầu nổ đa năng với khối lượng 8-12 kg, gồm liều nổ lõm kép chuyên đối phó xe tăng và thiết giáp với khả năng xuyên thủng giáp thép cán đồng nhất dày 1.000 mm, cùng viền mảnh văng để tấn công mục tiêu mềm như xe cơ giới, bộ binh và khí tài không có giáp bảo vệ.
Khả năng tấn công mục tiêu mặt đất đang di chuyển bằng vũ khí dẫn đường trong điều kiện thời tiết phức tạp là lợi thế đáng kể của Ka-52 so với các cường kích cánh bằng như Su-25.
"Phần lớn mục tiêu của Ka-52 hiện nay là các phương tiện cơ giới triển khai gần hoặc tại tiền tuyến Ukraine. Trong trường họp đó, quân đội Ukraine không có các hệ thống phòng không để che chắn cho đồng đội, khiến chiến thuật tập kích từ xa của Nga đạt hiệu quả rất cao", Plopsky nói.
Chuyên gia Mỹ chỉ ra rằng chiến thuật sử dụng phi đội Ka-52 của Nga vẫn có nhược điểm, như phi cơ phải bay treo tại chỗ trong thời gian 20-25 giây để dẫn đường cho tên lửa bay tới mục tiêu. Điều đó khiến chúng dễ tổn thương trước tên lửa phòng không tầm xa dẫn đường bằng radar.
"Dù vậy, lực lượng Nga vẫn tìm ra cách hạn chế nguy hiểm. Khả năng chế áp và hủy diệt phòng không đối phương của họ đã cải thiện đáng kể, đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng với những hệ thống tên lửa được Ukraine triển khai gần tiền tuyến", Plopsky nhấn mạnh.

Trực thăng tấn công Ka-52 Nga tham chiến tại Ukraine hồi năm 2022. Ảnh: BQP Nga
Ngày càng xuất hiện nhiều bằng chứng cho thấy Ukraine phải triển khai các hệ thống phòng không cố định tầm trung và tầm xa đến gần tiền tuyến, nhằm bảo vệ cho lực lượng mặt đất và hạn chế hoạt động của không quân Nga. Tuy nhiên, biện pháp này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các tổ hợp sớm bị phát hiện và tập kích.
Video trên mạng xã hội hồi đầu tháng 6 cho thấy máy bay không người lái (UAV) tự sát Lancet của Nga tập kích radar của hệ thống phòng không IRIS-T hiện đại được Đức viện trợ cho Ukraine, tại khu vực gần làng Grechanovka thuộc tỉnh Kherson, cách tiền tuyến khoảng 26 km.
Nhiều xe chở đạn kiêm bệ phóng và radar của tổ hợp phòng không tầm trung Buk-M1 Ukraine cũng bị tập kích dọc tiền tuyến ở Kherson và Donetsk trong những tuần qua. "Ba tổ hợp S-300 Ukraine từng bị tiêu diệt trong một ngày khi được triển khai sát tiền tuyến ở tỉnh Kherson và Mykolaiv", Alexander Kots, phóng viên chiến trường của tờ Komsomolskaya Pravda tại Nga, cho hay.
Những khẩu đội phòng không Ukraine thường bị đặt vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, khi máy bay Nga phóng tên lửa hoặc bom dẫn đường từ khoảng cách an toàn.
"Nếu họ không tham chiến, các mục tiêu quan trọng sẽ bị phá hủy. Nhưng ngay khi radar phòng không Ukraine được kích hoạt, lực lượng Nga sẽ lập tức tấn công chúng bằng UAV Lancet, đạn tuần kích và tên lửa diệt radar", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway viết trên chuyên trang Warzone của Mỹ.
Các nguồn tin Nga còn đề cập việc triển khai lính bắn tỉa bằng xe đa dụng cỡ nhỏ để tập kích binh sĩ vận hành tên lửa đối phương, sau đó rút lui dưới sự yểm trợ của pháo binh.
"Dường như các chỉ huy Nga đã tìm ra những biện pháp hiệu quả nhằm chế áp lưới phòng không Ukraine trên chiến trường, khiến thiết giáp đối phương thường xuyên phải phơi mình trước hỏa lực từ trực thăng mà không có biện pháp chống đỡ", Rogoway nêu quan điểm.
Vũ Anh (Theo Drive)