Ngày quốc khánh 4/7 được kỳ vọng là dịp để người Mỹ nghỉ ngơi, tạm gác lại những bất đồng, tranh cãi để tham gia diễu hành, tụ tập dự tiệc và ngắm các màn trình diễn pháo hoa. Nhưng vụ xả súng hôm 4/7 ở Highland Park, ngoại ô Chicago, Mỹ, khiến ít nhất 6 người chết, đã phá hỏng tất cả.
"Vào ngày đáng lẽ tụ tập để ăn mừng vì cộng đồng và tự do, chúng ta lại phải đối diện với những mất mát bi thảm và nỗi kinh hoàng", Nancy Rotering, thị trưởng Highland Park, phát biểu sau vụ xả súng.
Loạt tiếng súng vang lên khoảng 10 phút sau khi lễ diễu hành bắt đầu lúc 10h trên đường phố Highland Park, khiến đám đông hoảng loạn tháo chạy. Cảnh sát xác định Robert E. Crimo III, 22 tuổi, là kẻ tình nghi liên quan đến vụ xả súng.
Sự kiện này khắc sâu thêm căng thẳng ở Mỹ, quốc gia đang lâm vào tình cảnh chia rẽ sâu sắc vì phán quyết của Tòa án Tối cao về quyền phá thai, luật sở hữu súng cùng các phiên điều trần về bạo loạn Đồi Capitol.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong bài phát biểu hôm 4/7 kỷ niệm 246 năm độc lập của đất nước, đã tìm cách trấn an quốc gia vừa kiệt sức vừa bất an trước loạt sự kiện gần đây.
"Trong những này, có lý do để nghĩ rằng đất nước chúng ta đang thụt lùi, rằng quyền tự do đang bị suy yếu, những quyền mà chúng ta tưởng chừng được bảo vệ đã không còn nữa. Tôi biết điều đó có thể rất mệt mỏi và đáng lo ngại, nhưng tối nay tôi muốn mọi người hiểu rằng chúng ta sẽ vượt qua tất cả", ông chủ Nhà Trắng nói.
Tổng thống Biden cho biết nhiều người đã chứng kiến một quốc gia bị chia rẽ, nhưng ông tin rằng nước Mỹ sẽ đoàn kết hơn.
Trước bài phát biểu, Tổng thống Mỹ đề cập tới vụ xả súng trên Twitter, cho biết "bạo lực súng đạn vô nghĩa tiếp tục gieo đau buồn cho người dân Mỹ đúng vào ngày quốc khánh".
"Tôi sẽ không từ bỏ cuộc chiến chống lại nạn bạo lực súng đạn", ông Biden tweet.
Nước Mỹ đang trải qua thời điểm bấp bênh, với nỗi lo suy thoái kinh tế có thể xảy ra bất cứ khi nào và vụ xả súng Highland Park tiếp tục đè nặng lên tâm lý của người dân vốn chứng kiến loạt vụ xả súng ở trường tiểu học Texas hay siêu thị New York gần đây.
Chia rẽ chính trị và xã hội ở Mỹ trở nên gay gắt hơn sau khi Tòa án Tối cao quyết định đảo ngược phán quyết về quyền phá thai và bãi bỏ một đạo luật hạn chế những người có thể mang súng nơi công cộng của New York.
Dù vậy, nhiều người Mỹ vẫn muốn gạt sang một bên mọi nỗi lo lắng, bất an để ăn mừng lễ quốc khánh tập trung đông người đầu tiên sau ba năm, trong bối cảnh các biện pháp hạn chế chống dịch được nới lỏng.
Cuộc thi ăn hot dog nổi tiếng vào ngày 4/7 hàng năm ở Mỹ năm nay cũng được tổ chức trở lại ở địa điểm truyền thống tại khu phố Coney Island ở Brooklyn, sau hai năm tổ chức ở nơi khác vì đại dịch.
Các màn trình diễn pháo hoa đầy màu sắc cũng được lên kế hoạch để thắp sáng bầu trời đêm từ New York, Seattle, Chicago đến Dallas.
Dịp quốc khánh Mỹ cũng là lúc diễn ra các buổi lễ nhập tịch đầy cảm xúc, khi những người nhận quốc tịch Mỹ sẽ đọc lời tuyên thệ về quyền công dân và được công nhận đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới.
Trong buổi lễ nhập tịch diễn ra ở Mount Vernon, bang Virginia, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã nói với 52 người đến từ 42 quốc gia khác nhau rằng họ là những cá nhân rất cần thiết để xây dựng lực lượng lao động vững mạnh cho đất nước.
"Người nhập cư củng cố cho lực lượng lao động của chúng ta và trong quá trình này, họ giúp thúc đẩy khả năng hồi phục, sức sống cho nền kinh tế", Bộ trưởng Yellen nói.
Đối với nhiều người dân Mỹ, ngày 4/7 còn là cơ hội để gạt bỏ những bất đồng về chính trị, tôn vinh tinh thần đoàn kết. "Luôn có những thứ chia rẽ hoặc gắn kết chúng ta", nhà sử học tại Đại học Vanderbilt Eli Merritt nói.
Tuy nhiên, Merritt coi các phiên điều trần về bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/1/2021 là lý do để hy vọng về tinh thần đoàn kết. Không phải toàn bộ người dân Mỹ và các nghị sĩ nước này đều ủng hộ công việc của ủy ban điều tra bạo loạn Đồi Capitol, song Merritt vẫn cảm thấy hài lòng vì ít nhất ủy ban là một phần nào đó đại diện chung cho lưỡng đảng Mỹ.
"Tinh thần can đảm đấu tranh cho lẽ phải, bất chấp những hậu quả tiêu cực với bản thân, là điểm tựa để người Mỹ đặt hy vọng. Đó là chất keo gắn kết nền dân chủ hợp hiến", Merritt nhận định.
Ngọc Ánh (Theo AP)