Ít nhất ba thủy thủ, trong đó có một người Việt, thiệt mạng, 4 người bị thương trong vụ tập kích ngày 6/3 của lực lượng Houthi nhằm vào tàu hàng True Confidence mang cờ Barbados trên Vịnh Aden. Đây là lần đầu tiên các đòn tấn công của Houthi gây thương vong cho thủy thủ, kể từ khi nhóm vũ trang ở Yemen tuyên bố nhắm mục tiêu vào tàu hàng qua Biển Đỏ để đáp trả chiến dịch của Israel tại Dải Gaza.
Nó cũng đánh dấu mức độ leo thang đáng kể căng thẳng tại Biển Đỏ, bất chấp liên minh hải quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu đang nỗ lực tìm cách đảm bảo an toàn cho tuyến hàng hải quan trọng này.
Houthi từ cuối tháng 10/2023 bắt đầu phóng tên lửa, máy bay không người lái (UAV) vào các tàu hàng mà họ cho là có liên hệ với Israel và Mỹ đi qua Biển Đỏ, nhằm thể hiện sự đoàn kết với người dân Palestine, gây sức ép buộc Israel phải ngừng chiến dịch nhằm vào Hamas, đồng minh của Houthi trong trục kháng chiến chống Tel Aviv ở Trung Đông.
Theo giới chức phương Tây, Houthi đã thực hiện hơn 45 cuộc tập kích nhằm vào các tàu hàng. Hầu hết tên lửa và UAV mà Houthi sử dụng bị lực lượng hải quân đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu đánh chặn hoặc rơi xuống nước không gây thiệt hại.
Mỹ và Anh đã nhiều lần mở các chiến dịch tấn công vị trí Houthi đặt radar, tên lửa chống hạm, xuồng tự sát và UAV, song chưa thể ngăn lực lượng này tiếp tục tập kích tàu hàng.
Căng thẳng ở Biển Đỏ bắt đầu leo thang khi Houthi gia tăng tập kích và đánh trúng tàu hàng Anh Rubymar hôm 18/2. Toàn bộ thủy thủ được sơ tán an toàn, nhưng Rubymar bị chìm đêm 1/3, trở thành con tàu đầu tiên bị hỏa lực Houthi đánh đắm.
Martin Kelly, nhà phân tích cấp cao về Trung Đông tại đơn vị an ninh hàng hải EOS Risk Group, cho biết Houthi sử dụng nhiều nguồn thông tin để xác định tàu hàng đi qua Biển Đỏ có trở thành mục tiêu hay không.
"Thông tin về tàu hàng trên một số nguồn mở mà Houthi sử dụng có thể chưa được cập nhật, dẫn đến những vụ tấn công vào các con tàu không liên quan gì tới Israel hay Mỹ", Kelly nói. "Đây có thể chính là trường hợp của True Confidence".
Tàu thuộc sở hữu của công ty hàng hải True Confidence Shipping ở Liberia và đang do công ty Hy Lạp Third January Maritime vận hành. Hai công ty này đều khẳng định con tàu không có liên hệ với Mỹ như cáo buộc của Houthi.
Điều này khiến vụ tấn công ngày 6/3 càng thêm sốc, khi các tàu hàng không thể biết được mình sẽ trở thành mục tiêu tấn công của Houthi lúc nào, buộc các công ty hàng hải phải suy nghĩ lại về lộ trình qua Biển Đỏ.
Sau vụ tập kích tàu True Confidence, rất ít tàu hàng muốn tiếp tục đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez, theo công ty phân tích rủi ro hàng hải Windward. Số tàu hàng neo ngoài khơi các cảng ở phía bắc và nam kênh đào Suez ngày 6/3 tăng 225% so với ngày trước đó.
"Số liệu của chúng tôi cho thấy 61% số tàu thả neo sau khi xảy ra vụ tập kích", Ami Daniel, CEO của Windward, nói với CNN. Ông dự đoán lượng tàu qua kênh đào Suez, tuyến hàng hải vận chuyển 10-15% giá trị thương mại thế giới, sẽ còn giảm hơn nữa.
Liên đoàn Người lao động Vận tải Quốc tế (ITF) hôm 7/3 ra tuyên bố kêu gọi toàn bộ tàu hàng chuyển hướng qua Mũi Hảo Vọng ở châu Phi, tránh đi qua Biển Đỏ sau vụ tập kích của Houthi. "Thời gian giao hàng không đáng giá bằng mạng sống các thủy thủ", ITF nhấn mạnh.
"Lằn ranh đỏ dường như đã bị vượt qua khi xuất hiện thương vong", Peter Sand, giám đốc phân tích tại công ty phân tích hàng hải Xeneta, trụ sở ở Na Uy, nhận định.
Lưu lượng tàu qua Biển Đỏ và kênh đào Suez chỉ còn khoảng 30%, theo Sand. "Tôi dự đoán tỷ lệ này còn giảm hơn nữa sau vụ tập kích gây chết người. Các tàu vẫn đi qua khu vực chủ yếu là tàu dầu, nhưng nhiều khả năng họ cũng sẽ rút lui".
Các chuyên gia chỉ ra rằng việc gián đoạn hành trình qua Biển Đỏ càng kéo dài, vận chuyển hàng hóa, nhiên liệu càng chậm trễ, giá hàng hóa trên toàn cầu sẽ càng tăng. "Nguy cơ xảy ra chuyện gì đó cao hơn mọi người nghĩ và tác động khi có chuyện xảy ra cũng vậy", CEO Daniel cho hay.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde ngày 7/3 cảnh báo thiệt hại kinh tế từ khủng hoảng Biển Đỏ. "Các yếu tố đẩy lạm phát đi lên bao gồm căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là ở Trung Đông, có thể khiến giá năng lượng, chi phí vận chuyển tăng trong tương lai gần và làm gián đoạn thương mại toàn cầu", bà Lagarde nói.
Thảm kịch cũng sẽ khiến nỗ lực tuyển thủy thủ cho các tàu hàng trở nên khó khăn hơn, ngay cả khi lương cơ bản cho những người làm việc ở Biển Đỏ và Vịnh Aden đã tăng lên gấp đôi sau các thỏa thuận thương lượng gần đây, Tổng thư ký ITF Stephen Cotton lưu ý.
"Trong bối cảnh lực lượng lao động trên biển khan hiếm, những lo ngại về an toàn đang khiến một nhiệm vụ vốn đã là thách thức càng thêm khó khăn", David Ashmore, luật sư tại công ty luật toàn cầu Reed Smith, chung quan điểm.
"Vụ tập kích đã chứng minh những gì chúng tôi nói từ đầu cuộc khủng hoảng, rằng thủy thủ sẽ chịu tác động lớn nhất", John Stawpert, quản lý cấp cao tại Viện Vận tải biển Quốc tế, trụ sở Anh, nói. "Họ là những người phải bám trụ ở tuyến đầu và việc những cuộc tập kích của Houthi dẫn đến kết cục bi thảm như vậy chỉ là vấn đề thời gian".
Vụ tập kích tàu True Confidence còn làm dấy lên nguy cơ thổi bùng xung đột ở khu vực. Nhà Trắng đã cảnh báo đáp trả và kêu gọi chính phủ các quốc gia trên thế giới cùng hành động để buộc Houthi phải chịu trách nhiệm.
Houthi tuyên bố sẽ xem xét lại hoạt động tập kích tàu hàng trên Biển Đỏ nếu Israel chấm dứt chiến sự tại Dải Gaza. Trong khi đó, Israel vẫn quyết tâm giành chiến thắng tuyệt đối trước Hamas, đồng nghĩa cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ có thể còn kéo dài nhiều tháng.
"Chúng tôi buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm về hậu quả của những chuyện xảy ra", phát ngôn viên Houthi Mohammed Abdulsalam viết ngày 7/3.
Như Tâm (Theo CNN, AP)