Phong trào MeToo bắt đầu từ năm 2017 với những hé lộ chấn động về Harvey Weistein, kẻ lạm dụng quyền lực ở thế giới Hollywood để tấn công tình dục những nạn nhân yếu thế. Phong trào sau đó lan rộng trên toàn cầu, trở thành một hình thức mới trong tố cáo hành vi sai trái liên quan tình dục.
Khi phiên tòa xử vụ kiện Johnny Depp - Amber Heard tại Fairfax, Virginia, Mỹ đang dần đến hồi kết, những tình tiết trong phòng xử cũng như phản ứng dư luận đã khiến tranh cãi về phong trào MeToo tiếp tục rộ lên.
Douglas Murray, bình luận viên chính trị của Times, cho hay kể từ khi phong trào MeToo xuất hiện, ngày càng nhiều người chọn những kênh thông tin phi truyền thống để cáo buộc hành vi tấn công tình dục. Họ không gửi đơn tố cáo đến những đầu mối tiếp nhận chính thức như cơ quan công quyền, đơn vị phụ trách kỷ luật trong các tổ chức và bộ phận quản trị nhân lực của các công ty, mà thường "tung hê" lên mạng xã hội.
Theo Deborah Tuerkheimer, giáo sư ngành luật tại Đại học Northwestern của Mỹ, các thiết chế truyền thống đã làm ngơ câu chuyện của "người sống sót" sau các vụ tấn công tình dục quá lâu, buộc nạn nhân chọn rũ bỏ hệ thống xử lý tố cáo thông thường, vì lo ngại sự thật sẽ mãi mãi bị "chìm xuồng".
"Tố cáo không chính thức có thể mang đến những điều hữu ích, trong đó có cơ hội giáo dục cộng đồng về thực trạng vấn nạn ngược đãi", Tuerkheimer nói.
Cùng với phương thức tố cáo không chính thức, phong trào MeToo vượt khỏi ngành công nghiệp giải trí, mở rộng sang mọi môi trường xã hội, từ thể thao, văn phòng đến học đường, báo chí và hôn nhân.
Tuy nhiên, bình luận viên Murray cho rằng phong trào này trong một thời gian dài đã bị cuốn đi thiếu kiểm soát, khiến nhiều người bị hủy hoại sự nghiệp chỉ vì bị bêu tên trên mạng xã hội mà không có chứng cứ xác đáng. Rất ít người muốn đứng ra hãm phanh phong trào, ngay cả khi nhận ra nó đã bắt đầu đi chệch hướng.
"Một trong những lời hiệu triệu của phong trào từng là 'Hãy tin mọi phụ nữ'. Lời khẳng định ấy cũng phi lý hệt như mệnh đề hãy tin mọi đàn ông", Murray viết.
Trong một bài viết trên Washington Post năm 2018, Amber Heard tuyên bố mình là "gương mặt công chúng đại diện cho bạo hành gia đình". Dù Heard không nêu tên chồng cũ Johnny Depp trong bài viết, hầu như tất cả người đọc đều biết cô đang ám chỉ đến ai. Nam tài tử sau đó bị Hollywood tẩy chay và mất nhiều dự án.
Depp đã gửi đơn kiện tại Mỹ, đòi vợ cũ bồi thường 50 triệu USD thiệt hại thu nhập vì danh dự bị bôi nhọ. Heard kiện ngược lại và đòi bồi thường 100 triệu USD.
Trong 6 tuần đối chất, cung cấp lời khai nhân chứng và ý kiến chuyên gia tại tòa án bang Virginia, khó có thể nói cả Heard và Depp có thể rời khỏi phiên tòa với danh tiếng tốt đẹp hơn người còn lại, theo Murray.
Depp tiếp tục bị gán với hình ảnh một người đàn ông nóng nảy, ghen tuông mù quáng, với sự nghiệp đã tuột dốc từ trước bởi chính những thói quen và cách hành xử gây tranh cãi của anh. Trong khi đó, Heard bị chế giễu trên mạng xã hội như một người bất ổn tâm lý, thường bí mật ghi âm và ghi hình chồng, còn bản thân cô cũng dễ dàng tìm đến bạo lực khi giải quyết tranh cãi.
Trước tòa, hai ngôi sao Hollywood tố cáo nhau có hành vi quấy rối và hành hung. Những chi tiết được hé lộ hơn một tháng qua cho thấy một cuộc hôn nhân đầy rắc rối, trong đó ranh giới đúng sai vô cùng mong manh.
"Vụ kiện không chỉ phơi bày mặt méo mó trong cuộc hôn nhân Depp - Heard. Nó còn là lời nhắc nhở rằng: Trong khi một số vụ bạo lực gia đình có thể nhìn nhận rõ ràng đúng sai, phần lớn trường hợp không dễ phân minh", Murray nhận định.
Làn sóng MeToo đã phơi bày một loạt vụ tấn công tình dục với thủ phạm không thể chối tội, như Weistein hay bác sĩ đội tuyển thể dục dụng cụ Mỹ Lawrence G. Nassar, kẻ đã tấn công tình dục hơn 150 phụ nữ nhưng được che đậy bởi văn hóa ngược đãi trong hệ thống quản lý thể thao.
Tuy nhiên, Murry cho rằng xã hội không thể áp dụng cùng cách phản ứng vào mọi trường hợp, bất chấp mức độ bằng chứng không rõ ràng. Những đối chất tại tòa án Virginia cho thấy bài viết năm 2018 của Amber Heard nếu như không xuất hiện giữa giai đoạn cao điểm của phong trào MeToo sẽ khó tạo ra hiệu ứng lớn đến vậy.
Theo bình luận viên này, vận dụng thái quá phong trào sẽ khiến dư luận đánh đồng những vụ án tình dục và cưỡng hiếp với tán tỉnh bình thường, hay cuộc hôn nhân không hòa thuận như Depp - Heard.
MeToo Movement, tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận tại Mỹ nhằm bảo vệ nạn nhân bị tấn công tình dục, trong thông cáo ngày 28/5 vẫn nhấn mạnh #MeToo là "sự thừa nhận vĩ đại nhất dành cho những người sống sót" về mức độ phổ biến của bạo lực tình dục. Sau khi từ khóa này được lan tỏa, xã hội đã thay đổi cách nhìn rất nhiều về bạo lực tình dục và tác động sâu xa của vấn nạn.
"Chúng tôi cảm thấy vụ kiện Depp - Heard là trường hợp điển hình cho thấy những phong trào xã hội và chính trị vẫn bị sử dụng sai mục đích và vũ khí hóa chống lại chính những người đáng lẽ phong trào phải bảo vệ", tổ chức chia sẻ về vụ lùm xùm nhiều tuần qua.
Tuy nhiên, họ cho rằng một vụ kiện giữa hai diễn viên nổi tiếng không thể đại diện cho ý nghĩa của toàn phong trào, nơi hàng triệu người đang đấu tranh giành lại phẩm hạnh và quyền đi tìm công lý.
"Cách #MeToo bị gán ghép và thao túng trong vụ kiện Depp - Heard là một trong những hành vi bôi nhọ phong trào nghiêm trọng nhất chúng tôi từng chứng kiến", MeToo Movement bày tỏ lo ngại trong thông cáo.
Thanh Danh (Theo LA Times, The Times)