Lần đầu tiên sau 55 năm, Tòa án Trung tâm Quận Seoul ra phán quyết yêu cầu chính phủ nước này chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh gây ra với dân thường ở Việt Nam; đồng thời phải bồi thường 30 triệu won cho nguyên đơn, bà Nguyễn Thị Thanh (63 tuổi). Bà Thanh là nạn nhân đã mất cả gia đình trong vụ thảm sát của lính Hàn Quốc ở Quảng Nam năm 1968. Bà đệ đơn kiện chính phủ Hàn Quốc, đưa sự việc ra tòa năm 2020.
Tin tức, bình luận về phán quyết lịch sử này thu hút sự quan tâm rất lớn của công chúng Hàn Quốc. Mặc dù vẫn có những ý kiến phản đối phán quyết của tòa, viện dẫn "bối cảnh không thể tránh khỏi" trong thời chiến, dư luận Hàn Quốc phần lớn ủng hộ quyết định này.
Tôi cũng hoan nghênh phán quyết của Tòa và đánh giá cao nỗ lực suốt nhiều năm của đội ngũ luật sư, nhà hoạt động xã hội, những người ủng hộ, Quỹ Hòa bình Hàn - Việt và trên hết là quyết tâm của bà Thanh, để đạt được kết quả mang tính bước ngoặt này.
Phán quyết của Tòa mang tính biểu tượng và có ý nghĩa về mặt chính trị. Ở cấp độ cơ bản nhất, đây là lời nhắc nhở trang nghiêm rằng tiếng nói của nạn nhân, thân phận con người là điều cần được quan tâm trước nhất khi giải quyết các vấn đề trong lịch sử. Chia sẻ sau chiến thắng tại tòa, bà Thanh nói "cảm ơn vì đã tin vào câu chuyện của tôi". Phát biểu giản dị đó nói lên rất nhiều điều về công lý thời chiến.
Để đạt được chiến thắng này, việc huy động sự ủng hộ của dư luận thông qua truyền thông ở Hàn Quốc đóng vai trò quyết định. Báo chí sau nhiều năm trời, đã mở ra trước công chúng một lịch sử bị che giấu qua tiếng nói của bà Thanh. Điều này cũng phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của người Hàn Quốc đối với Việt Nam với tư cách là đối tác chiến lược toàn diện, không chỉ ở cấp độ chính phủ mà còn ở cấp độ từng người dân, được thúc đẩy mạnh mẽ qua các quan hệ gần gũi về thương mại, hôn nhân, du lịch hay là trong bóng đá.
Nhiều người Hàn Quốc hiện lo ngại chính phủ sẽ còn phải đối mặt với các vụ kiện tiếp theo từ những nạn nhân Việt Nam. Có khoảng gần 80 trường hợp tương tự ở làng Phong Nhị, quê của bà Thanh và còn nhiều nữa, từ những nơi khác.
Nhưng đây vẫn là điều tốt cho cả hai bên về lâu dài. Bất kể số lượng các vụ kiện thì tổng số tiền đền bù vẫn chỉ là một phần chi phí nhỏ nếu so sánh với lợi ích to lớn mà quan hệ đối tác giữa hai nước sẽ mang lại trong tương lai.
Khi đến Việt Nam lần đầu, tôi rất tò mò về thái độ của người Việt đối với người Hàn sau những gì họ đã chịu đựng trong chiến tranh. Tôi có phần lo lắng. Khi gặp người Việt đầu tiên bị tàn tật vì vết thương do lính Hàn Quốc gây ra, tôi cảm thấy cần phải xin lỗi, vì tôi là người Hàn Quốc. Tôi nói với người phụ nữ đó rằng tôi rất tiếc và xin lỗi vì những gì đã xảy ra, bà đáp lại bằng nụ cười rộng lượng: "Thôi không sao, chuyện xảy ra lâu rồi". Bà cảm ơn tôi về cuộc gặp.
Về cơ bản, những cuộc nói chuyện bằng tâm thế này sẽ lặp lại trong tương lai, khác với sự lo ngại về những cảm thức phức tạp do quá khứ để lại cho người dân hai nước. Việc của hai bên là cùng nhau tìm ra cách để làm cho cuộc sống của các nạn nhân trở nên dễ dàng hơn - điều chắc chắn nằm trong tầm tay.
Tôi hy vọng chúng ta coi chiến thắng của bà Thanh là một cơ hội. Việt Nam hiện cần một cơ quan hoặc tổ chức đại diện cho tiếng nói trung thực của các nạn nhân để thu thập nguyện vọng của họ và liên lạc với các cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc về các vấn đề hậu chiến.
Vụ kiện có kết quả của bà Thanh đã cho thấy mỗi cá nhân đều có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đánh thức sự quan tâm của dư luận về quá khứ bị lãng quên tại một đất nước đang mạnh mẽ hướng tới tương lai như Việt Nam.
Se Gun Song