Cuộc đua vũ trang thời Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô dẫn đến nhiều sáng kiến nhằm đảm bảo khả năng sống sót của lực lượng răn đe hạt nhân mỗi nước. Một trong số những dự án lạ lùng nhất của Mỹ vào năm 1964 là khoét một ngọn núi ở dãy Sierra Nevada, thiết lập một siêu pháo đài kiên cố chịu được đòn tấn công hạt nhân phủ đầu của Liên Xô và đảm bảo khả năng trả đũa, theo National Interest.
Chuyên gia quân sự Dave Majumdar cho biết ý tưởng này được đưa ra trong bối cảnh tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) liên tục được cải thiện khả năng tấn công chính xác. Nếu muốn hệ thống ICBM mặt đất sống sót trong đợt tấn công phủ đầu, cả hầm phóng và trung tâm điều khiển phải trụ vững trước các vụ nổ trực tiếp ở khoảng cách gần.
Thời điểm đó, công nghệ Liên Xô đã đạt nhiều bước phát triển đáng kể, cho phép nước này tấn công chính xác vào kho vũ khí hạt nhân Mỹ. Bởi vậy, Lầu Năm Góc buộc phải tìm cách đối phó.
"Đội kỹ sư Mỹ tin rằng việc tạo ra căn cứ ngầm kiên cố, nằm sâu 1,5 km dưới lớp đá granite chắc chắn sẽ đảm bảo khả năng sống sót cho lực lượng ICBM trước đòn tấn công hạt nhân", sử gia Steven Pomeroy, cựu sĩ quan tên lửa chiến lược Mỹ, cho biết.
Washington tin rằng dãy núi Sierra Nevada là địa điểm hoàn hảo để thiết lập căn cứ ngầm, bởi chúng dài và có thành phần đá granite đáp ứng yêu cầu. Quân đội Mỹ đề xuất thành lập ba pháo đài ngầm để đặt 100 quả ICBM trong dãy núi. Kiến trúc của chúng sẽ giống một mạng nhện trong lòng núi, với các đường hầm ngầm dài hàng km để xe chở đạn kiêm bệ phóng di chuyển đến địa điểm gần cửa hầm bên ngoài.
Chuyên gia Majumdar nhận định điểm kỳ lạ nhất của kế hoạch này là địa điểm phóng nằm sâu dưới lớp đá cứng để đảm bảo bí mật. Khi thực hiện một vụ phóng, các kỹ sư Mỹ sẽ phải sử dụng đến các thiết bị đặc biệt để khoan thủng lớp vỏ đá để đưa tên lửa ra ngoài, đến vị trí phóng.
Quá trình này đòi hỏi rất nhiều công sức chuẩn bị, chỉ phù hợp cho các đòn đánh đáp trả đối phương. Việc khoan núi có thể mất tới 7 ngày, kéo dài thời gian đáp trả và khiến vũ khí gần như vô giá trị.
Vũ khí được đề xuất cho dự án này là tên lửa mang tên mã "ICBM-X", có đường kính 3,9 m và khối lượng lên tới 499 tấn. Mỗi quả ICBM-X mang tới 20 đầu đạn hạt nhân độc lập và lớn gấp đôi mẫu R-36M2 Voevoda, loại ICBM lớn nhất thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, chi phí dự kiến cho toàn bộ dự án quá tốn kém, trong khi hiệu quả đem lại không tương xứng, khiến Lầu Năm Góc quyết định hủy dự án ngay từ trong trứng nước.
Duy Sơn