Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA hôm 24/5 cho biết lãnh đạo Kim Jong-un đã chủ trì cuộc họp của Quân ủy Trung ương để thảo luận các chính sách mới nhằm "tăng cường hơn nữa khả năng răn đe chiến tranh hạt nhân của đất nước".
Thông báo này gợi nhớ đến cảnh báo của Triều Tiên hồi cuối năm 2019, trong đó Kim Jong-un tuyên bố sẽ cho thế giới thấy "vũ khí chiến lược mới" và có thể thực hiện "động thái bất ngờ khiến Mỹ trả giá". Giới chuyên gia từng đưa ra nhiều dự đoán về "vũ khí chiến lược mới" này, cho rằng đó có thể là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) với tầm bắn lớn hơn mẫu Hwasong-15, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) hoặc tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Hàn Quốc cho rằng bước đi hợp lý nhất với Triều Tiên lúc này để nâng cao năng lực răn đe hạt nhân là hạ thủy tàu ngầm thế hệ mới hoặc giới thiệu phiên bản SLBM dựa trên dòng Pukguksong, dù Bình Nhưỡng sẽ phải tính toán đường đi nước bước rất cẩn trọng khi Mỹ chuẩn bị tổ chức bầu cử tổng thống.
Tình báo Hàn Quốc đã giám sát chặt chẽ dự án tàu ngầm thế hệ mới của Bình Nhưỡng kể từ khi nó được truyền thông nhà nước Triều Tiên hé lộ trong chuyến thăm nhà máy đóng tàu Sinpo của Kim Jong-un hồi tháng 7/2019. "Nó dường như đã sẵn sàng triển khai. Chúng tôi đang theo dõi thời điểm Triều Tiên tổ chức lễ hạ thủy tàu ngầm mới", nguồn tin quân đội Hàn Quốc tiết lộ.
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng đây là phiên bản cải tiến sâu theo kiểu "bình cũ rượu mới" của tàu ngầm diesel - điện Đề án 633 do Liên Xô chế tạo từ cuối thập niên 1950, chứ không phải phiên bản kế tiếp của tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Gorae do Bình Nhưỡng tự phát triển.
Hình ảnh tàu ngầm trong chuyến thăm của Kim Jong-un bị làm mờ khu vực phía sau đài chỉ huy, cho thấy đây có thể là nơi đặt các ống phóng thẳng đứng cho SLBM. Việc mô tả nó là "vũ khí chiến lược" cũng cho thấy Bình Nhưỡng muốn tàu ngầm này và những chiếc kế tiếp có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Triều Tiên hiện biên chế 70 tàu ngầm các loại, trong đó có 20 chiếc Đề án 633 với lượng giãn nước 1.800 tấn. Tuy nhiên, phần lớn tàu ngầm Triều Tiên đã lạc hậu, chỉ có thể hoạt động gần bờ và khó lòng đe dọa đối phương nếu xảy ra xung đột.
"Hoán cải tàu ngầm tấn công Đề án 633 thành tàu ngầm mang SLBM là giải pháp tiết kiệm chi phí, hạn chế tối đa rủi ro mà vẫn bảo đảm tăng cường năng lực tiến công. Ngay cả một tàu ngầm diesel - điện lạc hậu, có độ ồn tương đối cao vẫn đòi hỏi các cường quốc như Mỹ và Hàn Quốc phải triển khai nhiều nguồn lực quý giá để liên tục theo dõi vị trí của nó", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét.
Triều Tiên cũng có thể tiếp tục phóng tên lửa Pukguksong-3, tiếp nối đợt thử nghiệm đầu tiên hồi tháng 10/2019 ngoài khơi bờ biển phía đông nước này. SLBM là một trong ba trụ cột răn đe hạt nhân của các cường quốc, bên cạnh ICBM và oanh tạc cơ mang vũ khí hạt nhân.
SLBM có độ chính xác và uy lực thua kém ICBM, nhưng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo có thể ẩn mình dưới lòng biển trong thời gian dài để tung đòn đáp trả trong trường hợp Triều Tiên bị tấn công phủ đầu.
"Nó sẽ đặt ra mối đe dọa không chỉ với an ninh khu vực mà còn trên quy mô toàn cầu, do SLBM rất khó bị phát hiện. Nhiều khả năng nó được thiết kế để khai hỏa từ ống bảo quản kiêm bệ phóng để đơn giản hóa quá trình vận chuyển và lắp đặt", Shin Jong-woo, nhà phân tích tại Diễn đàn An ninh Quốc phòng Hàn Quốc, nhận xét.
Kim Jong-un đã bổ nhiệm Ri Pyong-chol, quan chức phụ trách chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân, vào vị trí Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, đồng thời thăng quân hàm cho tướng Pak Jong-chon, tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên và cựu tư lệnh pháo binh. "Hành động này cho thấy Kim muốn tiếp tục mở rộng năng lực hạt nhân và tên lửa Triều Tiên trong bối cảnh đàm phán với Mỹ lâm vào bế tắc", Shin nói thêm.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng tuyên bố "tăng năng lực răn đe hạt nhân" của Kim Jong-un chỉ là "đòn gió" nhằm gia tăng áp lực, hối thúc Mỹ có những bước đi chắc chắn hơn trong đàm phán phi hạt nhân và siết chặt kỷ luật quân đội, chứ không phải thông điệp cảnh báo về những vụ thử vũ khí chiến lược trong thời gian tới.
"Bình Nhưỡng đã triển khai hoặc sắp biên chế loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra mắt năm ngoái. Nước này sẽ sử dụng chúng làm đòn bẩy trong đàm phán, thay vì vượt qua lằn ranh đỏ với các vũ khí tầm xa có khả năng đe dọa lãnh thổ Mỹ", nhà nghiên cứu Hong Min thuộc Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc cho hay.
Vũ Anh (Theo Yonhap)