Vụ phóng tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên
Bình Nhưỡng hôm qua công bố hình ảnh vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15, được cho là tên lửa có tầm bắn xa nhất của nước này. Dựa trên các hình ảnh này, giới chuyên gia cho rằng Triều Tiên đã ứng dụng, cải tiến một số công nghệ hiện đại để hoàn thiện tính năng cho Hwasong-15, theo National Interest.
Truyền thông Triều Tiên khẳng định Hwasong-15 được thiết kế để mang "đầu đạn siêu nặng", giúp nước này không cần hoàn thiện công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân. Một số ý kiến cho rằng Bình Nhưỡng cố ý chế tạo quả đạn với kích thước lớn vượt trội, nhằm trang bị nhiều đầu đạn hạt nhân hồi quyển độc lập (MIRV).
"Tầm bắn lý thuyết tới 13.000 km và phần mũi khổng lồ khiến tôi cho rằng quả đạn này được chế tạo vượt cỡ. Có thể họ đang nghĩ tới giải pháp trang bị nhiều đầu đạn", chuyên gia Joshua H. Pollack thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chống phổ biến vũ khí (CNS) cho biết.
Tên lửa Hwasong-15 sử dụng hai động cơ song song ở tầng đẩy thứ nhất, khiến đường kính quả đạn tăng lên đáng kể. "Đó có thể là động cơ cùng loại với tên lửa Hwasong-12 và Hwasong-14, giúp vụ phóng thành công ngay lần đầu tiên. Đó không phải công nghệ mới đối với Triều Tiên, nhất là khi loại động cơ này từng được Liên Xô thiết kế để hoạt động song song từ thập niên 1960", ông Pollack nhận định.
Ngoài kích thước lớn tương đương các loại ICBM hạng nặng của Liên Xô trước đây, Triều Tiên cũng ứng dụng nhiều cải tiến đáng kể cho tên lửa Hwasong-15. "Thay đổi công nghệ lớn nhất chính là loại bỏ động cơ phụ để điều hướng. Việc chỉ có hai ống xả chính ở đuôi tên lửa cho thấy Bình Nhưỡng đã sở hữu động cơ điều chỉnh được hướng luồng phụt", ông Pollack đánh giá.
Trong khi một số người cho rằng Triều Tiên nhận được sự trợ giúp từ các chuyên gia nước ngoài để hoàn thiện động cơ tự điều chỉnh luồng phụt, nhiều chuyên gia nhận định đây là công nghệ do Bình Nhưỡng tự nghiên cứu và phát triển.
"Thiết kế động cơ có thể bắt nguồn từ nước ngoài, nhưng mọi dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đã tự chỉnh sửa và chế tạo chúng. Nếu không, tại sao họ phải phung phí những động cơ đắt tiền và khó tìm mua trong hàng loạt vụ thử như vậy", giáo sư Vipin Narang tại Viện Công nghệ Massachusetts phát biểu.
Một điều chắc chắn là Triều Tiên đã sử dụng trang thiết bị Trung Quốc để làm xe chở và dựng đạn (T/E). Đây được cho là biến thể cải tiến của xe chở gỗ WS51200 do Trung Quốc sản xuất, được lắp thêm một trục dẫn động thứ 9 và mang định danh "xe phóng tự hành 9 trục". Điều này cho thấy Bình Nhưỡng chưa thể tự chế tạo khung gầm chở ICBM và vẫn phải dựa vào sản phẩm mua từ Bắc Kinh.
Tử Quỳnh