Năm 1990, Đài Loan rúng động vì ông chủ trẻ Ngô Đông Lượng của tập đoàn Tân Quang (Shin Kong Group) bị bắt cóc, tiền chuộc lên tới 100 triệu Đài tệ. Ngô Đông Lượng là con trai thứ ba của Ngô Hỏa Sư, người sáng lập Shin Kong Group - một trong năm tập đoàn lớn nhất ở Đài Loan với tài sản trên 200 tỷ Đài tệ.
Lúc 22h ngày 18/12/1990, Ngô Đông Lượng, 40 tuổi, quay về nhà trên đường Trung Thành, Sĩ Lâm, Đài Bắc. Vừa bước vào nhà, ông bị vài kẻ to cao lao ra từ chỗ tối, bắt cóc.
Biệt thự của gia đình ông Lượng nằm trong khu dân cư cao cấp, được kiểm soát ra vào nghiêm ngặt. Việc tội phạm có thể bắt cóc thành công ngay lần đầu ra tay cho thấy chúng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng.
Rạng sáng, một cuộc điện thoại gọi đến nhà Ngô Đông Lượng: "Bành Tuyết Phân phải không? Chồng cô đang ở chỗ tôi, đừng căng thẳng, chỉ cần đưa 100 triệu nhân tệ, tôi đảm bảo chồng cô sẽ an toàn".
Thời điểm đó, 100 triệu Đài tệ là con số trên trời, người khác có thể không gom được, nhưng gia đình Ngô Đông Lượng thì khác. Vì vậy, bọn bắt cóc rõ ràng đã điều tra kỹ lưỡng, nắm rõ về mục tiêu, cảnh sát suy đoán.
Vợ của Ngô Đông Lượng, Bành Tuyết Phân, là diễn viên nổi tiếng của Đài Loan. Năm 18 tuổi, Tuyết Phân đóng vai chính trong bộ phim điện ảnh The Boy Who Refused to Take the Entrance Examination của đạo diễn Từ Tiến Lương và lập tức được chú ý. 5 năm sau đó, cô xuất hiện trong hơn 20 bộ phim và trở thành một trong những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng nhất Đài Loan thập niên 80.
Đúng lúc sự nghiệp đang lên như diều gặp gió, Tuyết Phân bất ngờ tuyên bố giải nghệ và kết hôn chớp nhoáng với Ngô Đông Lượng, doanh nhân hơn cô 10 tuổi. Họ sang Mỹ định cư, sinh con xong mới trở lại Đài Loan.
Khi nghe tin chồng bị bắt cóc, Tuyết Phân báo ngay cho gia đình chồng. Nhà họ Ngô lập tức báo cảnh sát. Sự việc lan truyền tới giới truyền thông, đưa tin rầm rộ.
Không lâu sau, bọn bắt cóc lại gọi điện, yêu cầu đưa trước 5 triệu Đài tệ tiền chuộc, đồng thời yêu cầu Tuyết Phân phải đích thân lái xe đưa. Hắn hứa hẹn: "Chỉ cần cô thoát khỏi cảnh sát bám đuôi và giao tiền chuộc, tôi có thể đảm bảo an toàn cho Ngô Đông Lượng, nếu không đừng nghĩ đến việc gặp lại chồng".
Vì sự an toàn của chồng, Tuyết Phân đuổi tất cả cảnh sát giám sát tại nhà. Đêm hôm đó, cô lái xe đi giao 5 triệu Đài tệ tiền mặt. Nhưng khi vừa ra khỏi gara, cô thấy xe cảnh sát vây quanh. Tuyết Phân lập tức nhấn ga tăng tốc và tông vào xe cảnh sát, cố gắng ngăn cản việc bám theo.
Tuy nhiên, Tuyết Phân không thể thoát khỏi cảnh sát, họ vẫn theo sát cô. Tuyết Phân lái xe 86,5 km về phía nam trên đường cao tốc theo chỉ dẫn của bọn bắt cóc rồi đậu xe dưới cầu vượt, lúc này một chiếc giỏ treo được thả xuống. Cô lập tức bỏ 5 triệu tiền mặt và một chiếc điện thoại di động, dùng để liên lạc theo yêu cầu của bọn tội phạm, vào giỏ. Khi cảnh sát đến, chiếc giỏ đã được kéo lên cầu với độ cao bằng tòa nhà 4-5 tầng khiến họ không thể làm gì. Thực chất, 5 triệu tệ này chỉ để bọn chúng thăm dò Tuyết Phân xem có thực sự chịu thoát khỏi cảnh sát vì chồng hay không.
Vào ngày thứ ba sau khi Ngô Đông Lượng bị bắt cóc, bọn chúng yêu cầu Tuyết Phân giao 95 triệu Đài tệ còn lại. Số tiền mặt rất lớn này được đựng trong ba bao tải dứa và một chiếc túi xách tay nhỏ.
Trước khi ra khỏi nhà, Tuyết Phân gọi cho cảnh sát trưởng và nói: "Xin các anh đừng đi theo tôi nữa. Không cần biết các anh có bắt được tội phạm hay không, tôi chỉ mong chồng tôi bình an vô sự".
Cảnh sát không nghe theo yêu cầu của nữ diễn viên, vẫn lái xe riêng bám sát, cho rằng sẽ không bị lộ vì đã cải trang. Nhưng sau khi đi lòng vòng 6 tiếng, bọn bắt cóc gọi cho Tuyết Phân nói "có quá nhiều cảnh sát bám theo, hủy bỏ giao dịch".
Khi đó, Tuyết Phân vừa hoàn thành ca phẫu thuật do mang thai ngoài tử cung, vẫn bị chảy máu. Để cứu chồng, cô chịu đựng đau nghe theo bọn bắt cóc đi khắp nơi. Nhóm tội phạm ranh ma chỉ dẫn cô đi lên đường núi quanh co, dùng kính viễn vọng đứng trên cao theo dõi, phát hiện xe của Tuyết Phân luôn bị bám đuôi, vì vậy không chịu lộ diện. Cảnh sát phải ra về tay không.
Không ngờ, sau khi cảnh sát giải tán lúc hơn 23h, Tuyết Phân lại nhận được điện thoại từ bọn bắt cóc, đòi giao tiền vào đêm khuya và yêu cầu cô sử dụng đèn xe làm tín hiệu. Tuyết Phân nhanh chóng lái xe đến địa điểm chỉ định, tìm nơi có khung tranh màu trắng rồi bỏ 95 triệu Đài tệ vào đó.
Cảnh sát biết tin lập tức đuổi theo Tuyết Phân nhưng bọn bắt cóc rất tinh ranh, đợi cô đi qua đoạn đường chỉ định thì phá đường, khiến xe cảnh sát không thể vượt qua.
Sáng sớm hôm sau, Tuyết Phân nhận được điện thoại của chồng. Theo lời hẹn, bọn bắt cóc thả Ngô Đông Lượng ở bãi đậu xe của sân chơi bowling Nguyên Sơn, để lại chiếc điện thoại dùng liên lạc với Tuyết Phân để anh ta gọi người đến cứu.
Trong quá trình giải cứu Đông Lượng, Tuyết Phân thể hiện sự bình tĩnh, khôn khéo, thậm chí bất chấp an toàn của bản thân để cứu chồng, điều này khiến nhà chồng phải thay đổi cách nhìn.
Trước đó, nhà họ Ngô không hài lòng về người con dâu này, thậm chí không cho Tuyết Phân ngồi ăn cùng bàn. Sau vụ việc, mẹ chồng đặc biệt coi trọng cô.
Ngô Đông Lượng an toàn trở về khiến mọi người thở phào, nhưng cảnh sát vẫn tiếp tục đau đầu tìm cách phá án. Dù Lượng là con tin, nhưng từ lúc bị bắt cóc, anh ta luôn bị bịt mắt, sau đó bị chuốc thuốc mê, không cung cấp được manh mối nào hữu ích.
Cảnh sát chuyển sự chú ý đến chiếc điện thoại Tuyết Phân cung cấp cho bọn bắt cóc và thu thập được một dấu vân tay không phải của Ngô Đông Lượng trên đó. Sau khi đối chiếu với hồ sơ của những kẻ có tiền án tiền sự, họ phát hiện dấu vân tay thuộc về Trương Gia Hổ.
Trương Gia Hổ vốn là tuyển thủ bowling, nhưng kẻ xấu dụ dỗ nên lầm đường lạc lối, nhiều lần phạm tội và bị bắt.
Cảnh sát treo thưởng một triệu Đài tệ cho ai cung cấp thông tin về Trương Gia Hổ. Rất nhanh sau đó, một cô gái gọi điện báo về một khách làng chơi kỳ lạ, luôn gọi 4-5 cô gái cùng lúc, cầm từng xấp tiền mệnh giá hàng nghìn tệ, số sê-ri liền nhau, rất có khả năng là của cải bất chính. Cô nói tên người này là Trương Đổng, chính là bí danh của Trương Gia Hổ. Anh ta có đại ca là Hồ Quan Bảo.
Hồ Quan Bảo từng học trường Sĩ quan Lục quân, nhờ thành tích xuất sắc nên được giới thiệu sang trường Quân sự Virginia học thạc sĩ. Phương thức gây án tinh ranh, cẩn thận của nhóm tội phạm khiến cảnh sát coi Hồ Quan Bảo là nghi phạm quan trọng.
Theo dõi điện thoại của Bảo, cảnh sát phát hiện vào đêm Giáng sinh, Hổ sẽ đi hát karaoke với các anh em, còn Bảo ở nhà tại quận Tân Điếm. Cảnh sát lập tức quyết định chia hai hướng để bắt cả hai.
23h40 ngày 24/12/1990, cảnh sát bắt giữ Hổ và hai đồng bọn đang say bí tỉ ở tầng hầm nhà số 94, đường Trung Hoa, thành phố Tân Trúc.
Nhưng việc bắt giữ Bảo không suôn sẻ. Khi cảnh sát bao vây, xông vào nhà, chĩa súng về phía Bảo, hắn lập tức cướp súng giằng co. Bị vài cảnh sát đè chặt xuống sàn, Bảo định tự tử nhưng được cấp cứu kịp thời.
Hồ Quan Bảo là một trong những tên tội phạm có học vấn cao nhất ở Đài Loan l lúc đó. Sau khi bị bắt, hắn vẫn rất bình tĩnh, không chút hoảng sợ hay hổ thẹn. Hắn nói: "Xã hội rất bất công, giàu nghèo không đều, tôi muốn thay đổi hiện trạng này".
Tại nhà Bảo, cảnh sát tìm thấy hai khẩu súng lục của cảnh sát. Một cuộc điều tra cho thấy đây là súng bị mất trong vụ giết hai cảnh sát năm 1985. Khi đó, hắn dụ hai cảnh sát đến đường vắng, đoạt mạng họ bằng khẩu carbin và cướp súng.
Sự xuất hiện của hai khẩu súng trong tay Bảo khiến cảnh sát đặc biệt chú ý. Bởi Đài Loan lúc bấy giờ có bốn vụ án chưa phá, gồm: vụ trộm súng ở đồn cảnh sát Đông Bình Phong, vụ cướp ở trạm xăng Đào Viên, vụ cướp tại ngân hàng Hoa Nam và sát hại giám đốc ngân hàng Lâm Vĩnh Tuyền, vụ giết hai cảnh sát ở Tân Trúc. Tất cả đều liên quan súng carbin.
Cảnh sát dồn lực điều tra manh mối về bốn vụ án để khép tội Hồ Quan Bảo. Khi lật tung 14 thùng hồ sơ, họ tìm thấy một ghi chép về tiền gửi ngân hàng của một cô gái. Theo đó thể hiện cô gửi tiền hộ bạn trai Hồ Quán Bảo.
Cảnh sát xác định 10.000 Đài tệ mà cô đem đi gửi là số tiền bị đánh cắp từ ngân hàng ở đường Bình Đông. Thời điểm đó, không ai liên tưởng cái tên Hồ Quán Bảo với Hồ Quan Bảo, giờ họ mới nhận ra Quán Bảo - Quan Bảo đồng âm.
Cảnh sát ngay lập tức tìm thấy cô gái và được xác nhận Hồ Quan Bảo chính là bạn trai.
Năm 1990, Bảo gây thêm ba vụ cướp, trong đó vụ bắt cóc tống tiền Ngô Đông Lượng với số tiền đòi tiền chuộc cao nhất lúc bấy giờ. Trong hai vụ bắt cóc trước đó, hắn nhận được 6 triệu Đài tệ tiền mặt.
Cảnh sát sau đó tìm thấy hơn 90 triệu Đài tệ tại nơi ở của Bảo. Tất cả thành viên trong băng nhóm đều bị kết án. Hồ Quan Bảo và Trương Gia Hổ bị tuyên tử hình.
Trước khi bị đưa ra pháp trường vào 4h sáng 7/11/1991, Bảo mới tỉnh ngộ, nói: "Trên đời không có chuyện không làm mà hưởng. Bạn muốn vậy thì phải trả giá, cái giá này có thể rất đắt, có thể mang đến nỗi nhục nhã không thể xóa nhòa cho bạn bè và người thân. Tôi kêu gọi những ai muốn phạm tội hãy nghĩ nhiều hơn đến cha mẹ mình".
Tuệ Anh (Theo Toutiao)