Ngày 21/5/1924, cậu bé Bobby Franks, 14 tuổi, đang đi bộ trên đường về nhà sau giờ học thì một chiếc ôtô bỗng đỗ trước mặt. Sau hồi nói chuyện, Bobby chui vào xe và từ đó không còn ai nhìn thấy cậu bé.
Không thấy con về, bà Flora Franks thoáng chút ngạc nhiên vì giờ này mọi ngày, Bobby có mặt ở nhà. Bà đoán hôm nay con trai có hẹn với các bạn nên không nghĩ ngợi nhiều và đi chuẩn bị bữa tối. Bữa tối xong xuôi, Bobby vẫn chưa về nhà và không gọi điện thoại thông báo. Lúc này, người mẹ bắt đầu dự cảm có chuyện không lành.
Bà Flora cuống cuồng gọi điện cho các bạn học của Bobby, trong khi ông Jacob, chồng bà, liên lạc với hiệu trưởng vì có thể cậu bé mải chơi nên bị mắc kẹt lại ở trong trường. Nhưng tất cả nỗ lực đó đều không mang lại kết quả. Không ai biết Bobby ở đâu.
Suốt buổi tối hôm đó, cả gia đình chia nhau tìm kiếm những nơi cậu bé có thể tới nhưng vẫn không thấy. Khoảng 22h, bà Flora khi đang ở nhà trực điện thoại thì nhận được cuộc gọi của người đàn ông xưng tên Johnson nói Bobby đã bị bắt cóc, sức khoẻ vẫn ổn. Những thông báo tiếp theo sẽ được gửi đến sáng hôm sau.
Gia đình Bobby đang điều hành một tiệm cầm đồ, mang lại khá nhiều tiền. Hàng xóm đều là những chủ nhà băng hoặc luật sư. Tuy không quá giàu có như hàng xóm nhưng họ không gây thù chuốc oán với ai. Vì vậy, việc Bobby bị bắt cóc là vô cùng kỳ lạ.
Sáng hôm sau, gia đình Bobby nhận được thư yêu cầu tiền chuộc 10.000 USD, phải là tiền cũ và chuyển trước buổi chiều hôm đó. Kẻ bắt cóc cũng yêu cầu gia đình đặt tiền trong hộp xì gà lớn hoặc trong thùng carton; gói bằng giấy trắng, niêm phong cẩn thận.
Cuối bức thư là chữ ký của người có tên George Johnson kèm lời hứa, nếu nhận được tiền, Bobby sẽ trở về nhà lành lặn. Bố mẹ Bobby không biết phải làm thế nào song cuối cùng quyết định vừa chuẩn bị tiền vừa báo cảnh sát.
Tuy nhiên cũng đúng thời điểm đó, cảnh sát báo tin tìm thấy xác bé trai, có thể là Bobby, ở cống nước gần hồ Wolf. Gia đình được mời tới nhận diện.
Cũng trong lúc này, luật sư của gia đình họ nhận được cú điện thoại từ người xưng tên Johnson, yêu cầu đến ngay cửa hàng thuốc 1465 số 63 phố East. Vị luật sư ngay lập tức thông báo thông tin cho ông Jacob. Tuy nhiên, trong lúc hoảng loạn, cả hai người đàn ông đã không thể nhớ chính xác địa chỉ mà tên bắt cóc yêu cầu.
Khoảng gần một giờ sau, em trai ông Jacob thông báo từ nơi cảnh sát tìm thấy xác bé trai, xác nhận nạn nhân là Bobby.
Theo kết quả điều tra, cống nước dẫn ra hồ Wolf. Một nhân viên đường sắt tình cờ phát hiện thi thể không quần áo Bobby và nhấc ra khỏi ống cống.
Cảnh sát không tìm thấy quần áo của cậu bé ở khu vực xung quanh nhưng lại tìm thấy một cặp kính mắt ở gần đó nhưng nó cũng không phải của Bobby.
Theo bác sĩ pháp y, Bobby chết do ngạt thở, bị nhiều vết thương, một số hóa chất lạ được tưới lên mặt và bộ phận sinh dục...
Lá thư đòi tiền chuộc được gõ từ chiếc máy chữ hiệu Hammond bởi tay đánh máy nghiệp dư nhưng lại thể hiện là người có trình độ, bởi lời văn khá sắc sảo.
Từ đây, cảnh sát tập trung mũi điều tra vào 3 giáo viên ở trường Havard, nơi Bobby theo học. Sau khi thẩm vấn và lục soát nơi ở, cảnh sát phải trả tự do cho cả 3 vì không có gì khả nghi.
Vụ án dường như rơi vào bế tắc. Các điều tra viên lúc này nghĩ về cặp kính tìm thấy tại hiện trường. Nó là cặp kính dành cho người chuyên làm nghiên cứu, mắt kính tròn to, dày và khớp nối của gọng rất đặc biệt, hiếm gặp.
Trong khi đó, một nhóm cảnh sát đi hỏi thăm quản lý khu vực vui chơi quanh hồ Wolf và biết có Nathan Leopold, 19 tuổi, thường xuyên tới nghiên cứu về chim. Ngay lập tức, Nathan bị triệu tập về văn phòng cảnh sát. Tuy nhiên, thông tin mà Nathan cung cấp trong quá trình quan sát chim ở hồ đều không có gì đáng nghi vấn.
Đúng 8 ngày sau, cảnh sát phát hiện chi tiết quan trọng. Chiếc kính tìm được ở hiện trường được bán ra với số lượng rất ít, chỉ có 3 chiếc ở Chicago. Thật trùng hợp khi một trong những người sở hữu chiếc kính lại chính là Nathan.
Khai với cảnh sát, Nathan cho biết vào thứ 7, vài ngày trước khi Bobby bị bắt cóc cậu ta như thường lệ tới khu vực hồ Wolf cùng hai người bạn và bị vấp ngã, có thể lúc đó chiếc kính đã rơi ra khỏi túi ngực.
Nghe vậy, một trong những cảnh sát đã đặt kính vào túi ngực Nathan và đề nghị thực hiện lại cú ngã. Tuy nhiên, dù đã thử rất nhiều lần với nhiều tư thế, chiếc kính vẫn không rơi ra ngoài.
Khi được hỏi rằng đã làm gì trong ngày xảy ra án mạng, ban đầu Nathan trả lời vòng vo nhưng sau đó lại khẳng định đã dành phần lớn thời gian lang thang cùng người bạn thân Richard Loeb, sinh viên 19 tuổi tại Đại học Chicago, là hàng xóm của Bobby.
Buổi tối ngày Bobby bị bắt cóc, Nathan cho biết đã lái xe chở Richard đến quán bar đón hai cô gái và đi chơi đến khuya mới về nhà. Dường như để đưa ra bằng chứng ngoại phạm, anh ta nói uống quá nhiều rượu nặng nên chỉ nhớ mơ hồ và không rõ chi tiết những việc mình làm trong buổi tối hôm đó.
Richard cũng bị thẩm vấn, tuy nhiên không có nhiều thông tin đáng nghi nào được tiết lộ từ Richard.
Các điều tra viên vẫn thấy có gì đáng ngờ từ hai thanh niên này. Họ tìm hiểu thông tin từ bạn học của Nathan thì biết chàng trai này thường viết các bài luận trên máy đánh chữ hiệu Hammond. So sánh chúng với các dòng chữ viết trên bức thư tống tiền, họ nhận thấy chúng thuộc cùng một loại; cách sử dụng từ ngữ và một số ký hiệu cũng có nhiều điểm trùng hợp.
Giải thích cho việc mẫu chữ trên các bài nghiên cứu và mẫu chữ ở thư tống tiền giống hệt nhau và cùng sử dụng máy chữ hiệu Hammond, Nathan cho rằng chỉ là sự trùng hợp bởi tuy sử dụng máy đánh chữ đó nhưng nó không phải quyền sở hữu của cậu ta.
Người giúp việc nhà Nathan khai nhìn thấy máy này ở trong góc nhà vài tuần trước, nhưng khi cảnh sát tìm kiếm thì lại không còn trong nhà nữa.
Trong khi đó, tài xế của Nathan khai trong ngày xảy ra án mạng, cậu chủ và Richard không lái xe đi vì hôm đó xe đang sửa động cơ. Vợ lái xe cũng khẳng định, cả đêm đó xe đều nằm yên trong gara nhà Nathan.
Từ đây, hai chàng sinh viên đã phải khai nhận mọi chuyện. Theo đó, họ theo dõi Bobby trong nhiều tuần, ngày 21/5/1924, quyết định thực hiện kế hoạch bắt cóc, giết người.
Hai người thuê ôtô với tên giả cùng với giấy tờ giả. Chúng còn che biển số xe, đề phòng có ai đó nhìn thấy có thể báo với nhà chức trách và đi theo Bobby từ trường về nhà và dừng lại để mời cậu bé đi chơi tennis.
Bobby không nghi ngờ gì mà vui vẻ ngồi lên ghế trước cạnh Nathan. Ngay sau khi yên vị, cậu bé 14 tuổi đã bị sát hại.
Nathan và Richard lái xe đến hồ Wolf, vùng đầm lầy hẻo lánh cách trung tâm Chicago khoảng 40 km, nghĩ rằng không có ai có thể tìm thấy xác. Nước sẽ liên tục chảy qua và thi thể sẽ dễ bị phân hủy...
Xong việc, hai sinh viên gọi cho ông Jacob để thông báo con trai đã bị bắt cóc. Chúng gửi một lá thư đòi tiền chuộc tới nhà ông rồi lên đường về nhà Nathan. Đêm hôm đó, cả hai đi chơi bạc tới khuya, nghĩ rằng sắp có trong tay khoản tiền lớn.
Rất tin tưởng vào kế hoạch vạch sẵn, hôm sau chúng tới bốt điện thoại công cộng gọi cho ông Jacob nói địa chỉ cửa hàng thuốc nhưng tới giờ hẹn vẫn không thấy đến nên hiểu kế hoạch tống tiền đã đổ bể.
Tuy nhiên, điều khiến cảnh sát ngạc nhiên nhất là động cơ gây án. Theo lời khai của Richard, toàn bộ tội ác được dựng lên như một trò thử thách trí tuệ, thử tài phá án của cảnh sát.
Vụ án gây chấn động nước Mỹ khi cả hai đều là con của gia đình tài phiệt và có gia thế hiển hách. Bố Richard và bố của Nathan cùng là tỷ phú.
Phiên toà xét xử mở năm 1926 được xem là phiên toà thế kỷ. Nathan và Richard bị kết án tù chung thân cho tội Giết người cấp độ 1 và 99 năm tù cho tội Bắt cóc trẻ em.
Trong thời gian thụ án, Richard bị bạn tù giết chết. Trong khi đó, Nathan được giảm án và trả tự do vào năm 1958. Gã chuyển đến Puerto Rico sinh sống và qua đời vì cơn đau tim vào năm 1971.
Hoàng Phong (Theo History, Britannca, New York Times)