Chiều 7/5, phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải (35 tuổi) tiếp tục làm rõ nhiều lời khai, bút lục... còn mâu thuẫn. Ngoài ra, còn có nhiều vi phạm về tố tụng, nhận dạng. Nhiều độc giả đặt câu hỏi vì sao ngay từ lúc khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không thu được bằng chứng, dấu vết:
Cán bộ điều tra quá sơ suất, trong một căn phòng mà không thu thập hết vật chứng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Lúc hơn 7h30 tối mà sao có ý định hiếp dâm và giết người được chứ, người dân xung quanh còn thức, người đi đường thì cũng nhiều sao thực hiện được hành vi?
Có một chi tiết nữa là trên bàn còn hai túi đựng trái cây (có thể là Vân mua về) nếu còn ngay ngắn thì lúc Vân về là chưa có chuyện gì xảy ra. Vì nếu có án mạng thì túi trái cây đó không còn nguyên vẹn...còn nhiều điều chưa rõ ràng?
Sai một ly đi một dặm. Cơ quan điều tra tỉnh Long An đã quá chủ quan khi không bảo quản, niêm yết tang chứng, vật chứng mà lại đem tiêu hủy. Cũng không thấy đề cập lấy mẫu tóc, vân tay, dấu giày, dép? Mãi 4 tháng sau mới lấy mẫu máu?
Không có vật chứng, không có nhân chứng, không có mẫu máu, không thu được quần áo khi gây án. Tại sao không thu được con dao gây án? Ngay lúc điều tra tại sao điều tra viên không thu mẫu máu liền mà lại đợi 4 tháng sau mới thu? Đây là những nghiệp vụ cơ bản không thể thiếu sót với vụ án nghiêm trọng?
Một số độc giả đặt câu hỏi theo nguyên tắc "trọng chứng hơn trọng cung", thì kết quả vụ án sẽ ra sao khi thiếu bằng chứng:
Tôi không nói là Hồ Duy Hải vô tội hay không, nhưng nguyên tắc "trọng chứng hơn trọng cung" rất quan trọng và cần được tôn trọng.
Nguyên tắc cơ bản trong điều tra là trọng chứng hơn trọng cung. Nhân chứng, vật chứng đều không có. Chỉ căn cứ vào chính lời khai của nghi can để kết luận thì lập ra cơ quan cảnh sát điều tra, pháp y làm gì? Nếu chỉ căn cứ vào lời khai, đề nghị cho Hải đến thực nghiệm điều tra tại hiện trường xem có khớp với lời khai trong hồ sơ không?
Những vật chứng được cho là dùng giết người: Con dao, cái thớt, cái ghế... không thu giữ làm vật chứng cho nên cũng không thể khám nghiệm dấu vết trên vật chứng có trùng với tình tiết vụ án vậy làm sao kết luận được?
Không nên chủ quan cho rằng Hồ Duy Hải bị oan nhưng khi kết tội tử hình một người phải có chứng cứ đầy đủ. Sau vụ Huỳnh Văn Nén thì lời thú tội của bị can chỉ là một yếu tố làm chứng cứ.
Lời khai của Hải trước sau bất nhất lúc không có tội, lúc có tội, giờ kêu oan không có tội. Vậy không thể nào căn cứ vào mỗi lời khai nhận tội. Cơ quan điều tra phải chứng minh bằng nhân chứng, vật chứng Hải dùng để phạm tội, thời gian Hải phạm tội.
Sai sót của cơ quan điều tra là nghiêm trọng khi không thu giữ được vật chứng, không nêu được thời gian phạm tội, không xét nghiệm vết máu tại hiện trường. Nên không thể xác định Hải là người phạm tội qua lời khai. Điều này đã quá rõ ràng.
Oan hay không thì đến giờ chưa phân định, nhưng sai thì đã có. Với cơ quan điều tra thì không thể sử dụng cảm tính để xác định tội danh và càng không thể sử dụng suy diễn, phán đoán.
Nguyên tắc cơ bản và có lợi cho bị can bị cáo là: Nghĩa vụ chứng minh thuộc về các cơ quan tố tụng, nguyên tắc "có lợi cho bị cáo", nguyên tắc "không sử dụng lời nhận tội của bị cáo là căn cứ duy nhất để kết tội", nguyên tắc "suy đoán vô tội"....
Tóm lại, ngay cả trong trường hợp bị cáo có hành vi phạm tội nhưng nếu các chứng cứ buộc tội các căn cứ chứng minh yếu và thiếu thì cũng không đủ cơ sở kết tội.
Với vụ án này, mấu chốt là liệu có thể điều tra, xác minh, tu thập và thực hiện đúng, đủ và thuyết phục trong quá trình giải quyết lại hay không mới là điều khó khăn đồng thời còn cần xem xét lại toàn bộ vụ án theo cách ngược lại để tránh duy ý chí và cảm tính, tránh oan cũng như bỏ lọt.
Hồ Duy Hải bị cáo buộc, tối 13/1/2008 đến Bưu điện Cầu Voi chơi - nơi chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) và em họ tên Vân (21 tuổi) làm việc. Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với chị Hồng nhưng không thực hiện được nên sát hại cô và người em. Cuối năm 2008, Hải bị TAND tỉnh Long An tuyên phạt mức án tử hình. TAND Tối cao tại TP HCM mấy tháng sau bác đơn xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo. Hải sau đó xin Chủ tịch nước ân giảm nhưng không được chấp nhận. Hải và gia đình đã làm đơn kêu oan gửi tới nhiều cơ quan. Đến 22/11/2019, VKSND Tối cao kháng nghị chỉ ra loạt sai phạm, bất thường trong vụ án và đề nghị Hội đồng thẩm phán xem xét hủy hai bản án trước đó để điều tra lại. |
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.