Nhiều độc giả nêu những uẩn khúc trong vụ án cần làm sáng tỏ. Nhân vật tình nghi Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol không được điều tra làm rõ, trong đó, Nguyễn Văn Nghị - được cho là người yêu của một trong hai nạn nhân, có ghé bưu điện Cầu Voi trong đêm xảy ra vụ án và "bỏ trốn sau đó". Cơ quan điều tra đã từng tạm giữ và lấy lời khai của nghi phạm này. "Như vậy, Nguyễn Văn Nghị là nhân chứng và thậm chí có thể là một nghi can nhưng toàn bộ thông tin về người này đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án một cách rất bất thường", luật sư Trần Hồng Phong (bào chữa cho Hải tại phiên giám đốc thẩm) nêu.
Hồ Duy Hải có phải là nghi phạm duy nhất?
Độc giả Nguyễn Nguyên đặt câu hỏi: Điểm mấu chốt là Nguyễn Văn Nghị tại sao lại bỏ trốn? Sao lại rút khỏi hồ sơ nếu không là thủ phạm cũng có thể là nhân chứng vì có xuất hiện tại hiện trường?
Độc giả LVT: Nguyễn Văn Nghị là ai, tại sao lại không bị điều tra và "toàn bộ thông tin về người này đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án một cách rất bất thường"?
Phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải bị tuyên tử hình về tội Giết người và Cướp tài sản sẽ được mở ngày 6/5.
Ngày 13/1/2008, hai nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị giết hại dã man.
Theo cáo buộc, Hồ Duy Hải thường đến Bưu cục Cầu Voi (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) cách nhà 2 km đặt mua báo thể thao nên quen nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng, 23 tuổi.
Tối 13/1/2008, anh ta đến nơi làm việc của cô này chơi. Đêm đó còn có em họ 21 tuổi của Hồng đến chơi. Ngồi một lúc, Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với Hồng, nên đưa tiền cho cô em đi mua trái cây.
Khi nữ nhân viên ra ngoài, Hải kéo người chị vào phòng ngủ nhưng bị cự tuyệt. Hải tức giận vì bị cô gái đạp ngã vào tường nên đã dùng dao và thớt gỗ để gần đó sát hại nữ nhân viên. Lo sợ sự việc bại lộ, Hải phục sẵn tiếp tục giết cô em trở về. Gây án xong, Hải lấy đi 1,4 triệu đồng, 40 sim điện thoại, lột sạch nữ trang của hai nạn nhân.
Dấu vân tay tại hiện trường của ai?
Theo VKSND Tối cao, các cấp tòa chưa làm rõ thời gian Hải gây án cũng như không làm rõ được địa điểm, người tiêu thụ tài sản do Hải cướp được; dấu vân tay thu được ở hiện trường không phải là của Hải nhưng của ai cũng không được làm rõ...
Độc giả Tung Nguyen: Tôi đã theo dõi vụ án này nhiều năm và tôi khẳng định nó có rất nhiều điểm đáng ngờ. Chẳng hạn dấu vân tay thu được ở hiện trường đã được giám định và xác nhận không phải của Hồ Duy Hải nhưng biên bản giám định sau đó đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án. Đây là chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải, nó không còn thì làm sao Hồ Duy Hải có thể thoát tội? Cơ quan điều tra cũng không điều tra tiếp xem dấu vân tay đó là của ai?
Vì sao nhiều chi tiết bị rút khỏi hồ sơ bản án?
Những điểm mâu thuẫn đã bị rút ra khỏi hồ sơ bản án, làm cho hồ sơ rất đẹp, bản án rất logic. Nhưng khi lật lại thì bằng chứng còn quá thiếu và yếu.
Đọc bản án rất logic, chắc là ai cũng nghĩ đã xử đúng người đúng tội, nhưng sự thật thì có nhiều điểm sai.
Độc giả Vũ Văn Huỳnh: Hai mạng người chết oan, một người bị giam giữ 12 năm, 3 gia đình với bao nhiêu con người phải chịu đau buồn. Mới đọc thôi đã thấy có bao nhiêu khuất tất trong việc điều tra, xét xử. Vậy mà 12 năm vẫn chưa kết thúc vụ án.
Có lẽ bây giờ bắt đầu lại từ việc vì sao Hải lúc đầu không nhận tội sau lại nhận tội, đây là mấu chốt chứng minh anh có phải hung thủ thực sự và Nguyễn Văn Nghị kia là ai hiện đang sinh sống ở đâu, từ một người có nhiều liên đới như vậy thậm chí "bỏ trốn ngay sau đó" lại không được đưa vào diện tình nghi để điều tra.
Các cơ quan chức năng hay cụ thể là những người có trách nhiệm trong việc này hay công tâm và tận sức để người chết được nhắm mắt còn kẻ phạm tội phải trả giá.
Trước đó, vào tháng 12/2008 đến tháng 4/2009, TAND tỉnh Long An và tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM đều tuyên án tử hình đối với Hải. Tháng 10/2011, VKSND Tối cao quyết định không kháng nghị vụ án. Đến tháng 5/2012, Chủ tịch nước đã bác đơn xin giảm án của Hồ Duy Hải. Theo kế hoạch, Hải sẽ bị tử hình vào ngày 5/12/2014. Tuy nhiên, một ngày trước khi xử tử, gia đình Hải có đơn xin tạm dừng thi hành án để kêu oan và được Văn phòng Chủ tịch nước đồng ý, yêu cầu thẩm tra lại vụ án.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.