Thời gian vừa rồi tôi khá bận rộn với bóng đá, ngoài những trận đấu hấp dẫn ở châu Âu và Nam Mỹ, tôi còn phải coi tuyển Mỹ đá trực tiếp. Thêm cả việc đội tuyển Việt Nam cũng tham gia vòng loại cuối World Cup nữa chứ.
Trong khi bao nhiêu người tốn rất nhiều giấy mực để than vãn về màn trình diễn của tuyển Việt Nam, tôi cảm thấy rất bình thản. Đây là lần đầu tiên Việt Nam vào tới vòng loại cuối cùng. Trong hệ thống thi đấu của FIFA, giải đấu duy nhất có giá trị hơn cả chính là World Cup.
Tức là các đội tuyển có cái gì tốt đẹp mạnh mẽ nhất cũng đem ra. Mọi mánh khóe gian xảo nhất cũng được đưa ra. Ở Mỹ, khán giả được vào sân và mọi vé đều được bán sạch. Có trận vé đã hết từ mấy tháng trước, thị trường vé bán lại kê giá thêm mấy trăm đô mỗi vé.
>> 'Người xem bóng đá ngày càng thiếu khách quan'
Tuyển Việt Nam thua te tua là điều tất nhiên, không có gì phải bàn cãi. Nếu chúng ta bình tâm mà suy xét lại thì từ ngày tới Việt Nam, ông Park dẫn dắt tuyển lớn tới chức vô địch AFF Cup, tới vòng tứ kết Asian Cup, và tới vòng loại World Cup cuối cùng. Hai thành tích đầu, chúng ta đã làm được rồi, từ hơn chục năm về trước. Chỉ có cái vòng loại cuối cùng này là thành tích "lần đầu tiên" mà thôi.
Hành trình thua te tua thật ra cũng không có gì đáng buồn. Nó cũng giống như đi leo lên đỉnh Everest, có người leo tới lưng chừng là hết sức, có đi lên thêm nữa thì cũng sẽ rớt xuống chứ sao lên được tới đỉnh. Chả nhẽ lên được tới độ cao mới rồi lại càu nhàu là sao không lên cao nữa.
Cái đáng lo hơn là một lần nữa người ta lại đem V-League ra để đổ lỗi. Những chuyện như là đá bạo lực, mặt sân xấu, dùng toàn tiền đạo ngoại... xưa rồi, bây giờ người ta còn bắt lỗi V-League cái chuyện sao không thi đấu nữa kìa.
Khi đọc những bài phân tích về V-League, tôi cảm thấy hơi sốc khi đọc những thông số về khán giả tới xem bóng đá trên sân. Mấy con số như là trung bình 3.000 khán giả, sâu Gò Dậu vào hàng đông, trung bình khoảng 9.000 khán giả mỗi trận... khiến tôi sững sờ. Những con số đó là của giải vô địch quốc gia... nữ Mỹ. Thậm chí, đội Portland Thorns còn có những 18.000 khán giả mỗi trận nữa là.
Nói cách khác, sự hấp dẫn của V-League đối với khán giả Việt Nam cũng tương tự như sự hấp dẫn của giải vô địch bóng đá nữ Mỹ với khán giả Mỹ. Điều này rất đáng báo động vì Việt Nam là đất nước hâm mộ bóng đá hơn mọi môn thể thao khác.
Các đội bóng V-League hoàn toàn phụ thuộc vào túi tiền của các ông bầu - đúng hơn là các doanh nhân dùng bóng đá như một phần của chiến dịch quảng cáo cho công cuộc làm ăn. Còn bản thân đội bóng, hễ bị tách ra ngoài là sập cái rầm, bởi các đội bóng chưa bao giờ có đủ khả năng nuôi sống bản thân cả.
Bóng đá bản thân nó là một trò giải trí. Bóng đá chuyên nghiệp thì cũng giống như một gánh hát với các diễn viên - cầu thủ. Sản phẩm - những trận đấu- phải có chất lượng chuyên môn cao hay ít nhất là cũng phải được làm ra bởi các nghệ sĩ - cầu thủ - có tâm, thì mới bán được.
>> Ba lầm tưởng khiến bóng đá xấu xí
V-League là một sản phẩm giải trí ế hàng, mặc dù những nghệ sĩ sân cỏ lâu lâu cũng được quan tâm khi họ tham gia các trận đấu cho tuyển quốc gia. Thế nhưng quanh năm làm "hàng ôi" mà bây giờ lại muốn các nghệ sĩ đó diễn hay trong các vở diễn đỉnh cao thì hơi khó.
Cũng vì ế hàng nên mới có chuyện mặt sân xấu, một ông bầu vài đội bóng, không đào tạo được các lớp cầu thủ kế cận. Và cũng vì mấy chuyện này mà khán giả cứ không chịu tới sân, và V-League lại cũng cứ ế hàng.
Trong cái vòng lẩn quẩn này, người có thể đứng ra để cắt bỏ cái vòng tròn độc hại này lại là khán giả. Khán giả có thể đến sân, dù là để xem các màn chặt chém ghê rợn. Bởi có tiền thì các đội mới có thể có mặt sân tốt, có lý do để dưỡng chân cho nhau để còn đá lâu dài. Chứ như bây giờ thì cái cần là làm sao để khỏi thua, khỏi xuống hạng, chứ cuộc đua vô địch thì chẳng ai quan tâm.
Các cầu thủ ở V-League, khi họ ở trong một đội bóng phải "tự biết lo thân", thì họ chỉ có thể lo trụ hạng. Họ không có một động lực nào để phát triển lối chơi, họ chỉ có động lực phá đám đối thủ để mình đừng thua.
Chỉ có khán giả mới cứu rỗi được nền bóng đá nước nhà. Còn về ông Park, tôi rất yêu ông, nhưng ông đã rơi vào cái "vòng xoáy tàn nhẫn" của người hâm mộ Việt Nam: họ không bỏ ra tiền để nuôi bóng đá nhưng vẫn cứ mong nhận được quả ngọt.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.