Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Chủ tịch liên chi hội truyền nhiễm, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, tại hội thảo phòng chống kháng thuốc ngày 21/11, cho biết nhiều nhà khoa học thế giới đang đặt ra câu hỏi liệu nhân loại có bước vào "kỷ nguyên hậu kháng sinh", tức thời kỳ không còn kháng sinh để điều trị bệnh nhiễm trùng.
Theo bác sĩ Châu, càng ngày càng xuất hiện nhiều chủng kháng thuốc, có những chủng đa kháng kháng sinh, không còn thuốc nào điều trị. Số lượng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng tăng nhưng số công ty nghiên cứu kháng sinh giảm đi. Cách đây 30 năm toàn cầu có 18 công ty lớn trên thế giới nghiên cứu kháng sinh, đến năm 2010 chỉ còn bốn công ty.
"Nghiên cứu kháng sinh thường tốn nhiều thời gian, bán không nhiều tiền, vài năm lại bị kháng thuốc", bác sĩ Châu phân tích. Những năm 1990-1994 có khoảng 19 kháng sinh mới hàng năm được công nhận để đưa ra thị trường. Từ đầu thế kỷ tới nay, chỉ 12 loại thuốc kháng sinh mới được phê duyệt để tới tay bệnh nhân.
Theo bác sĩ Châu, kháng sinh có lợi ích lớn trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn cho người và thú y khi được kê đơn và điều trị đúng. Hiện thuốc kháng sinh được dùng rộng rãi, kéo dài và bị lạm dụng, các vi sinh vật thích nghi với thuốc, trở thành kháng thuốc. Điều này khiến nhiều thuốc điều trị đặc hiệu kém hiệu quả hoặc không hiệu quả, làm nhiễm khuẩn kéo dài, có thể lây lan cho người khác.
Nguyên nhân gây kháng thuốc là do mua bán, sử dụng thuốc kháng sinh khi không cần thiết, không theo đơn bác sĩ hoặc cán bộ thú y, dùng thuốc không đúng hướng dẫn, kê thuốc không hợp lý. Vi khuẩn kháng thuốc lây truyền từ người sang người ở cơ sở khám chữa bệnh. Sử dụng tùy tiện kháng sinh cho vật nuôi cũng gây tồn dư thuốc trong cơ thể vật nuôi, tăng nguy cơ kháng thuốc cho con người khi ăn sản phẩm động vật.
Hầu hết cơ sở y tế Việt Nam đang đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Nước ta đứng trong nhóm những nước có tỷ lệ kháng thuốc cao tại châu Á. Kháng thuốc làm tăng chi phí điều trị, ngày điều trị kéo dài, nguy cơ tử vong cao hơn.
Dược sĩ Huỳnh Phương Thảo, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, cho biết tại Việt Nam, trên 50% thuốc sử dụng cho người là kháng sinh, phần lớn được bán tại nhà thuốc. Khoảng 1/3 bệnh nhân nội trú dùng kháng sinh thiếu chỉ định hợp lý do các bệnh viện Việt Nam thiếu năng lực và thiếu nhân viên để phân lập và xác định nhạy cảm vi sinh. 90% kháng sinh được bán tại nhà thuốc không có đơn thuốc.
Phó giáo sư Ngô Thị Hoa, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, cảnh báo với tốc độ phát triển nông nghiệp toàn cầu, ước tính đến năm 2030 thế giới sử dụng hơn 105 nghìn tấn kháng sinh trong chăn nuôi, tăng 67% so với năm 2010. Tỷ lệ nhiễm kháng sinh từ động vật sang người đang chiếm tỷ lệ khá cao, thông qua tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi, chất thải của vật nuôi ra môi trường và qua thức ăn như thịt, trứng.
Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh chỉ mua và sử dụng kháng sinh theo đơn, theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Không bỏ dở giữa chừng điều trị kháng sinh khi thấy sức khoẻ khá hơn. Không sử dụng kháng sinh thừa của lần điều trị trước, hoặc thuốc theo đơn của người khác. Phòng tránh lây nhiễm vi khuẩn bằng cách thường xuyên rửa tay, che miệng khi ho, hắt hơi, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn, hạn chế tiếp xúc người bệnh, tiêm chủng đúng hạn...
Người chăn nuôi chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn hay phòng bệnh cho vật nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Không dùng kháng sinh cho vật nuôi vì mục đích tăng trưởng. Tiêm phòng vaccine, vệ sinh và chăm sóc tốt vật nuôi để giảm dùng thuốc kháng sinh. Tuân thủ quy trình sản xuất, chế biến thức ăn có nguồn gốc từ động vật, thực vật.