Anthony Fox là một nhân viên ngành dịch vụ, có hai con và sự nghiệp rộng mở. Thế nhưng bất ngờ một cơn đột quỵ đã đánh gục anh. Trước đó anh trải qua ca phẫu thuật bóc tách động mạch cổ.
Các bác sĩ phát hiện có cục máu đông ở não anh gây đột quỵ, phải phẫu thuật mở hộp sọ để giảm áp lực lên não ngay. Sau ca mổ giải áp não, đầu của Anthony sưng to gấp đôi bình thường, mắt cũng phồng lên.
Bác sĩ xác định trong ca phẫu thuật bóc tách động mạch phần cổ, Anthony bị nhiễm siêu vi khuẩn Staphylococcus Aureus (MRSA) kháng methicillin, thường được gọi là tụ cầu vàng kháng thuốc. Anh tiếp tục được đưa vào phòng mổ.
Những tháng tiếp theo trong bệnh viện, Anthony vừa phải dùng thuốc kháng sinh nhỏ giọt, vừa phải chiến đấu với MRSA, vừa cố gắng phục hồi sau đột quỵ. Tình trạng kháng kháng sinh cản trở rất lớn quá trình phục hồi của anh. Anthony phải ngồi xe lăn, đến nay đã gần 7 năm và hầu như mất hết khả năng đi lại, hôn nhân cũng gãy đổ.
Nhà vi trùng học lâm sàng Viện Doherty và các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết rất nhiều người gặp tình trạng kháng kháng sinh ở Australia. Nguy hiểm nhất là nhóm vi khuẩn kháng carbapenems, một loại kháng sinh mạnh. Số bệnh nhân nhiễm trùng kháng carbapenem đã tăng hơn 14% từ năm 2017 đến năm 2018. Các chuyên gia phát hiện một loại men gọi là candida auris có khả năng kháng một số loại thuốc kháng sinh chống nấm và nhiễm trùng. Điều đó giải thích vì sao nhiều bệnh nhân được kê đơn thuốc kháng sinh nhưng không hiệu quả, bệnh ngày càng nặng.
Tình trạng kháng kháng sinh đe dọa con người trong tương lai, đối mặt với các bệnh do nấm và nhiễm trùng. Nếu không được điều trị, khoảng 40% bệnh nhân sẽ tử vong và nhiều người chịu các tác dụng phụ khác.
Anthony Fox kêu gọi các bác sĩ, cơ quan quản lý và các cơ sở y tế cẩn trọng khi kê đơn thuốc hay phẫu thuật cho bệnh nhân gặp tình trạng kháng kháng sinh như anh.
Nguyễn Nam (Theo ABC)