Theo hai báo cáo mới công bố từ Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc, hiện có rất ít loại kháng sinh mới hiệu quả. Thế giới đang ít dần các lựa chọn chống lại những siêu vi khuẩn.
"Mối đe dọa kháng kháng sinh, nhu cầu tìm ra giải pháp chưa bao giờ cấp bách như bây giờ", Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố hôm 17/1.
Ông Tedros cho hay nhiều sáng kiến đang được triển khai, song vẫn cần các quốc gia, ngành công nghiệp dược phẩm "đóng góp bằng những nguồn tài trợ bền vững và các loại thuốc mới".
"Có thể thấy kháng kháng sinh đang lan rộng, thực sự đang dần cạn kiệt thuốc kháng sinh chống lại hiệu quả những vi khuẩn kháng thuốc này", Peter Beyer, thuộc Bộ phận Thuốc thiết yếu của WHO, cho hay. "Đây là một trong những mối đe dọa sức khỏe lớn nhất loài người đang phải đối mặt".
Kháng kháng sinh là tình trạng vi khuẩn miễn dịch với các loại thuốc hiện có, gây thương tích nhẹ, nhiễm trùng thông thường, cũng có thể dẫn đến chết người.
Thuốc kháng sinh được phát hiện từ những năm 1920, đánh bại nhiều bệnh do vi khuẩn gây ra, như viêm phổi, lao, viêm màng não, cứu hàng triệu mạng sống. Trải qua nhiều thập kỷ, vi khuẩn dần hình thành khả năng kháng thuốc, trở thành "siêu vi khuẩn" kháng kháng sinh.
Để chống lại tình trạng kháng những loại thuốc đã biết của vi khuẩn, cần thêm một lượng ổn định thuốc kháng sinh mới. Song, đối với các công ty dược phẩm, việc phát triển thuốc mới cạnh tranh trong lĩnh vực này rất phức tạp, tốn kém và không được coi là có lợi nhuận.
Theo báo cáo của WHO, hiện khoảng 60 loại thuốc mới đang được phát triển nhưng chỉ 2 trong số này trị được vi khuẩn gam âm - loại kháng kháng sinh nguy hiểm nhất hiện nay.
Một loạt thuốc khác trong giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng có nhiều cải tiến, song có thể mất nhiều năm trước khi tiếp cận thị trường.
Trong 252 loại thuốc đang trong giai đoạn thử nghiệm đầu tiên, hai đến 5 loại có thể được sử dụng trong khoảng 10 năm tới, WHO cho biết.
"Tập trung đầu tư công và tư vào phát triển các phương pháp điều trị chống lại các vi khuẩn kháng thuốc cao một cách hiệu quả là việc rất quan trọng", Hanan Balkhy, trợ lý Tổng Giám đốc về Kháng kháng sinh tại WHO nói.
Lê Hằng (Theo AFP Relax News)