* TS Phạm Minh Trí, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP HCM
![]() |
TS Phạm Minh Trí, đại biểu HĐND TP HCM. Ảnh: Đức Quang. |
Về mục tiêu tăng trưởng cho ba quý còn lại, thực trạng kinh tế quý I và nhất là trong thời gian gần đây đã bộc lộ khá rõ nét nhiều điểm nghẽn, tác động không thuận lợi cho tăng trưởng, trong đó đáng lưu ý: chi phí xã hội bị đẩy lên do nhiều yếu tố trong và ngoài nước, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bị giảm sút, nguồn vốn và lãi suất cho nền kinh tế đang có những điểm nghẻn làm cho lưu thông huyết mạch của nền kinh tế đứng trước nguy cơ bị ách tắc, không bảo đảm cho kinh tế phát triển trơn tru, thuận lợi.
Điều đáng nói trước tiên là, chúng ta đang vận hành nền kinh tế bằng nguồn vốn với lãi suất quá đắt (14-18%/năm và cao hơn). Có thể nói, mức lãi suất cao nhất thế giới này không doanh nghiệp nào có thể tồn tại và cạnh tranh nổi với bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào, trong và ngoài nước, trong khi lãi suất cho vay ở nhiều nước trên thế giới hiện nay, để khuyến khích kinh doanh, đầu tư mức lãi suất phổ biến chỉ ở mức từ 0-0,25%/năm ( Mỹ, Nhật, các nước châu Âu ).
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang kêu gọi một số Ngân hàng tự nguyện kéo lãi suất xuống khoảng dưới 14%/năm và đang hy vọng vào sự trợ giúp của Hiệp Hội các Ngân hàng góp phần kéo lãi suất xuống khoảng dưới 12%/năm. Nhưng công bằng mà nói, đẩy lãi suất thỏa thuận lên cao như hiện nay, hoàn toàn không phải do ý muốn chủ quan của NH mà là do một điểm nghẽn khác của nền kinh tế. Ấy là điểm nghẽn, khó khăn trong việc huy động vốn ( tiền gửi ).
Nhà đầu tư, người dân có tiền nhàn rỗi chỉ sẵn lòng gửi tiền cho NH khi lãi suất hấp dẫn. Ngược lại, nếu lãi suất ngân hàng không hấp dẫn người ta sẽ rút tiền ra khỏi ngân hàng đưa vào các kênh đầu tư khác như: cổ phiếu, vàng, nhà đất, đôla hay các giấy tờ có giá khác. Như vậy, chúng ta không thể đổ lỗi cho ngân hàng về mức lãi suất cho vay thỏa thuận hiện nay, vì bản thân ngân hàng không làm ra tiền để cho vay mà chỉ có thể đi vay của người khác để cho vay lại mà thôi. Cũng không thể mong muốn ngân hàng tự nguyện giảm lãi suất cho vay trong khi phải huy động vốn để cho vay với mức lại suất cạnh tranh, hấp dẩn trong cuộc chạy đua lãi suất huy động vốn.
Từ đó cho thấy một điều gần như hiển nhiên là, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, điều kiện trước tiên là phải bơm vốn rẻ cho doanh nghiệp và nền kinh tế để trên cơ sở đó các ngân hàng thương mại sẽ cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp hơn rất nhiều so với hiện nay.
Để tháo gỡ cho điểm nghẽn về vốn và lãi suất hiện nay có đề xuất sẽ bơm vốn cho một số ngân hàng thương mại với lãi suất 7,5%/năm để các ngân hàng này có thể thực hiện cam kết kéo lãi suất xuống mức 14%/năm. Theo tôi, đây là đề xuất hợp lý và khả thi.
Tuy nhiên, nếu chỉ bơm vốn rẻ hạn chế cho một số ngân hàng thì cũng có thể lại rơi vào điểm nghẽn tiếp cận vốn đối với đại bộ phận các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát sinh tiêu cực, vòi vĩnh doanh nghiệp như với cơ chế bù lãi suất 4% trong thời gian qua.
Vì vậy, nên chăng chúng ta tính đến giải pháp bơm vốn rẻ cho doanh nghiệp và nền kinh tế một cách minh bạch và công bằng đối với cả hệ thống ngân hàng thương mại với thủ tục đơn giản, thuận lợi cho doanh nghiệp, không phân biệt lớn nhỏ để có thể từng bước kéo lãi suất xuống thấp, đáp ứng yêu cầu tiếp vốn cho nền kinh tế, cho tăng trưởng và phát triển, đáp ứng yêu cầu bơm vốn rẻ cho nền kinh tế, cho phát triển kinh tế.
Phạm Minh Trí
Bài viết cùng tác giả:
> Mặt bằng giá mới và những bất trắc
> Rào cản trong tuyển sinh đại học
> Cơ chế khoa học - công nghệ đang thiếu tính cạnh tranh
> Điều ước vọng đầu năm