![]() |
Ông Phạm Minh Trí. Ảnh: Đ.Q. |
Theo tôi, vấn đề là ở chỗ, Việt Nam thiếu cơ chế, chính sách để sử dụng và phát huy có hiệu quả đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật hiện có, sẵn có; trong khi lại nói nhiều đến chiến lược khoa học công nghệ, đi tắt, đón đầu, mũi nhọn này, mũi nhọn kia. Nghị quyết về xây dựng đội ngũ khoa học kỹ thuật đủ số lượng và chất lượng để làm gì trong khi không có cơ chế, chính sách tốt nhằm sử dụng và phát huy tiềm năng sẵn có từ nhiều nguồn khác nhau, trong nước và Việt kiều ở nước ngoài.
Có thể nói, cơ chế, chính sách trong khoa học - công nghệ hiện nay về thực chất là cơ chế mang nặng tính quan liêu, hình thức, làm cho trong khoa học công nghệ hầu như không có cạnh tranh, không có động lực. Cũng chính vì thế mà cá nhân và tổ chức làm khoa học không mấy quan tâm đến hiệu quả, ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Còn các cơ quan, Hội đồng thẩm định cũng đã không làm tròn trách nhiệm trong việc thẩm định chất lượng các dự án, công trình nghiên cứu.
Người ta đã thông qua khá dễ dàng những dự án khoa học công nghệ kém chất lượng, không có giá trị khoa học, ứng dụng. Việt Nam chưa sử dụng và phát huy tiềm năng của khoa học công nghệ chủ yếu do cơ chế, chính sách không phù hợp, không tạo điều kiện, môi trường cho cạnh tranh, xã hội hóa để phát huy tác dụng và phát triển.
Không có cạnh tranh mà chỉ có quan liêu, thì người ta sẽ không cần quan tâm đến hiệu quả và cũng không có động lực để hoạt động. Khi đó, nghị quyết, chiến lược dù có hay đến mấy cũng đều trở nên không khả thi, không đi vào cuộc sống như mong muốn.
Gần đây, nhiều mối liên doanh liên kết giữa các nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, chế biến, tàng trữ nông sản sau thu hoạch. Nhưng tất cả các việc đó muốn được thực thi phải có chính sách, cơ chế tài chính, vốn đầu tư đủ cho nó, trong khi sản xuất nông nghiệp chưa có tích lũy bao nhiêu.
Chính vì vậy mà vấn đề nóng bỏng với khoa học công nghệ hiện nay là phải xã hội hóa, xóa bỏ cơ chế quan liêu, độc quyền trong khoa học để có môi trường cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng; có động lực để phát huy tác dụng và phát triển. Người làm khoa học quan tâm đến hiệu quả, ứng dụng, được tôn trọng, được lắng nghe ý kiến tư vấn, phản biện và được sử dụng, đãi ngộ đúng với tài năng của họ.
Việt Nam nên đưa khoa học công nghệ về cho xã hội và cuộc sống bằng cơ chế, chính sách xã hội hóa thực sự; thì mới mong phát huy hiệu quả và thúc đẩy phát triển, đóng góp xứng đáng cho công cuộc đổi mới của đất nước.
Gần đây, dư luận đã bàn khá nhiều đến khoa học - công nghệ, vai trò, hiệu quả, chiến lược phát triển, cả những rào cản và “bệnh tật”, đội ngũ vừa thiếu vừa yếu. Thiếu những nhà khoa học đầu ngành, đầu đàn, đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế, hiện đại hóa nông nghiệp còn rất hạn chế.
Tuy nhiên, vẫn chưa chỉ ra nguyên nhân sâu xa làm cho khoa học công nghệ Việt Nam chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, chưa phát huy tiềm năng sẵn có, chỉ ra cái gì đã cản trở khoa học công nghệ phát triển. Có lẽ, nếu chỉ nói đến những cái khác mà bỏ qua điều này thì chúng ta chưa chỉ ra đúng bệnh và cũng không có thuốc điều trị phù hợp, hiệu quả.
Nếu so với một số nước trong khu vực, đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật và tiềm lực khoa học công nghệ Việt Nam không thua kém. Có ý kiến nói rằng, Việt Nam còn thiếu những nhà khoa học đầu đàn, tôi hoàn toàn không đồng tình với ý kiến này. Đàn nào cũng đều có đầu đàn cả, nhà khoa học cũng vậy, sao lại không có đầu ngành, đầu đàn. Việt Nam đã từng có không ít nhà khoa học tầm cỡ quốc tế như Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Lương Định Của; những nhà nghiên cứu lỗi lạc, những nhà khoa học có trình độ không thua kém các giáo sư Đại học Harvard. Sao lại có thể nói ào rằng ta không có nhà khoa học đầu đàn. Thật đáng suy ngẫm. Chẳng lẽ chúng ta lại tự hạ thấp giá trị đội ngũ cán bộ KH-KT Việt Nam vì “bụt nhà không thiêng” ư?
Tiến sĩ Phạm Minh Trí