Tại phiên thảo luận ngày 27/7 về kế hoạch đầu tư công trung hạn, bà Vũ Thị Lưu Mai - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc xây dựng các danh mục dự án ở nhiều địa phương không xuất phát từ yêu cầu thực tế mà từ ý muốn chủ quan.
Bà dẫn chứng, trong tổng số 3.476 dự án chuyển tiếp, có hơn 2.000 dự án có phương án bố trí vốn, còn lại trên 1.000 dự án chưa có phương án cụ thể, tạo áp lực cho ngân sách giai đoạn tiếp theo.
Ngoài ra, một số dự án đã được phân bổ nguồn lực dự phòng xuất phát từ tính "cấp bách", nhưng cũng chính các dự án đó chỉ sau 6 tháng khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn đã không còn "cấp bách".
"Vốn đầu tư công là tiền thuế của dân, kể cả vốn vay cũng là dân phải trả, không phải sở hữu của bất cứ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào. Do đó, nếu vẫn còn tư duy có quyền ban phát, cơ chế xin - cho thì không biết khi nào mới khắc phục được tình trạng trên", bà Mai nhấn mạnh.

Bà Vũ Thị Lưu Mai - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội. Ảnh: Giang Huy.
Hệ luỵ của thực trạng này, theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách là sẽ gây lãng phí nguồn lực, tạo áp lực ngân sách khi rất nhiều dự án mới được bổ sung.
Chia sẻ quan điểm này, ông Dương Khắc Mai (đại biểu tỉnh Đắk Nông) nhận xét, cần khắc phục tồn tại trong khâu bố trí phân bổ vốn. Chẳng hạn, phân bổ vốn kế hoạch trong lĩnh vực giao thông, liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo, có nguyên nhân từ hạ tầng giao thông kém. Do đó, ông Mai nhấn mạnh, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới cần được tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, như tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông, duyên hải Nam Trung Bộ, tạo điều kiện các vùng phát triển, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế.
Bà Vũ Thị Lưu Mai cho rằng Chính phủ cần đề cao hơn sự minh bạch, công khai trong thực hiện kế hoạch đầu tư công. Bên cạnh động viên các địa phương thực hiện tốt, cần xử lý nghiêm những vụ việc vi phạm đạo đức công vụ, vi phạm thể chế.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo, rà soát tổng thể hệ thống pháp luật về kinh tế. "Trường hợp thực sự có những hạn chế, cần đề xuất phương án kịp thời sửa đổi. Còn trường hợp những hạn chế do tổ chức thực hiện thì cân nhắc để đánh giá, tránh gây ra những nghi ngại đối với hệ thống pháp luật", bà nêu.
Giải trình các ý kiến, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, giải ngân đầu tư công chậm và dàn trải không chỉ do thể chế, mà còn do địa phương lựa chọn dự án chưa bám sát yêu cầu thực tiễn. Thậm chí còn có những trường hợp do "bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ", làm theo phong trào mà không xuất phát từ khả năng cân đối ngân sách.
"Từ đó dẫn tới nhiều dự án chưa cần thiết, quy mô quá lớn so với nhu cầu, không kiểm soát đơn giá, khiến tổng mức đầu tư vượt dự toán, ảnh hưởng hiệu quả dự án", Bộ trưởng Dũng nhìn nhận.
Cũng theo ông, thu ngân sách hiện nay khó khăn khi thu ngân sách trung ương không đạt và thiếu các giải pháp khả thi, còn ngân sách địa phương tăng nhưng thiếu bền vững vì chủ yếu thu từ đất... Việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án còn chậm, nhiều nơi trông chờ vào vốn trung ương và khâu đền bù giải phóng mặt bằng là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay.
Ông cho hay, phân bổ kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới sẽ "đầu tư trọng tâm, trọng điểm", tạo không gian phát triển mới theo hướng liên kết vùng, hỗ trợ các địa phương có điều kiện vươn lên. Với hướng tiếp cận mới này, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư kỳ vọng sẽ khắc phục được những điểm nghẽn trong phát triển, giải ngân dự án đầu tư công của thời kỳ trước.
Theo kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm (2021-2025), ngân sách sẽ rót 2,87 triệu tỷ đồng (1,5 triệu tỷ đồng từ ngân sách trung ương và 1,37 triệu tỷ đồng từ vốn ngân sách địa phương) cho 5.000 dự án đầu tư công. Thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, khởi công mới khoảng 2.236 dự án.
Mức vốn bố trí bình quân cho mỗi dự án là 210,4 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020 (88 tỷ đồng một dự án).
Ngoài ra, Chính phủ xác định bố trí đủ vốn đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, TP HCM, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, khu vực miền núi phía Bắc, tuyến đường ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây.
Anh Minh