Phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 24/7 về chương trình đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá nguồn vốn đầu tư công dành cho ứng phó với biến đổi khí hậu chưa được tính toán tương xứng trong giai đoạn tới.
Dẫn chứng từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện là nơi chịu tác động rất lớn từ biến đổi khí hậu, Chủ tịch nước bày tỏ sốt ruột khi cứ đến mùa mưa lũ, lại diễn ra cảnh đau lòng khi hàng loạt nhà dân bị cuốn trôi, đe dọa tính mạng, đất đai của người dân.
Nhấn mạnh Chính phủ thời gian qua đã tập trung xử lý nhiều, quan tâm đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng Chủ tịch nước cho rằng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa tính toán kỹ lưỡng và thỏa đáng nguồn lực đầu tư cho vùng này để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025 khoảng 388.000 tỷ đồng.
"Chúng ta phải đầu tư lớn cỡ như Hà Lan, chứ nếu đầu tư chắp vá, tạm thời trước mắt thì không ổn. Vùng chịu tác động biến đổi khí hậu nhiều nhất là Đồng bằng sông Cửu Long, nếu không có nguồn lực thì hậu quả vài chục năm nữa sẽ rõ trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu khủng khiếp như vậy", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Ông nói thêm, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng lương thực, trái cây, nông sản rất lớn, nhưng thực tế đầu tư vừa qua chưa tương xứng, các dự án đầu tư chưa thỏa mãn với yêu cầu phát triển của vùng.
Chẳng hạn, cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang xuống Bến Tre hay cầu Đại Ngãi khởi công rất lâu nhưng vẫn chưa hoàn thiện. "Cần phải làm được để người dân thấy và tin tưởng, không vì bảo vệ bất cứ địa phương nào nhưng những vùng như vậy cần quan tâm", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Cũng cho rằng cần ưu tiên vốn cho Đồng bằng sông Cửu Long, ông Trương Trọng Nghĩa - đại biểu TP HCM nói, bối cảnh Covid-19 phức tạp như hiện nay, Chính phủ cần dự liệu, xác định những khu vực sẽ được coi là "hậu phương, căn cứ địa, an toàn khu" cho tăng trưởng, ổn định kinh tế. "Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lương thực, đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia thì cần ưu tiên vốn để phát triển", ông Nghĩa nhận xét.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng vốn ngân sách dự kiến đầu tư 5 năm tới là 2,87 triệu tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 1,5 triệu tỷ (1,2 triệu tỷ đồng vốn trong nước và 300.000 tỷ đồng vốn nước ngoài) và ngân sách địa phương 1,37 triệu tỷ đồng.
Với số tiền lớn cho đầu tư 5 năm tới, bà Vũ Thị Lưu Mai - Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, áp lực trả nợ công năm 2021 và 2024 là rất lớn, trong khi dự toán thu ngân sách tới đây còn nhiều khó khăn. Ngân sách địa phương cũng gặp khó khi phải giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho người dân. Hiện còn nguồn thu từ cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, song nguồn thu từ khu này theo bà Mai, không chắc chắn, khó đảm bảo. "Chính phủ cần xem lại việc cân đối nguồn thu", bà đề nghị.
Báo cáo Chính phủ cũng nêu, so với 5 năm trước thì số dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 sẽ giảm về còn một nửa, khoảng 5.000 dự án.
Nêu quan điểm về giảm một nửa số lượng dự án, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý quan điểm "phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau". Theo ông, nhiều khi công trình nhỏ nhưng tác động lớn tới người dân.
Đơn cử, những câu chuyện, hình ảnh các em học sinh phải bọc mình trong túi ni lông để vượt sông đi học, nhiều em thất học... cho thấy những công trình nhỏ ý nghĩa rất lớn vẫn cần được quan tâm. Do đó, cần phân cấp, giao quyền thế nào để làm sao các tỉnh vùng sâu vùng xa làm những công trình nhỏ nhưng có ý nghĩa dân sinh lớn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng, lượng dự án phê duyệt rất lớn, nên cần phân cấp trong hoạt động đầu tư. Cụ thể, Quốc hội phê duyệt dự án lớn, nhưng với dự án thành phần, nên mạnh dạn phân cấp cho địa phương, ưu tiên những vùng có năng suất lao động cao, hệ số đòn bẩy, thu chi ngân sách cao để đảm bảo tính khả thi của dự án.
Ông Nhân cũng lưu ý việc vay vốn cho đầu tư phát triển, cần tránh tình trạng "vay để rải đều cho các tỉnh sử dụng", tránh trường hợp những địa bàn, tỉnh không có khả năng sử dụng, thì thu hồi vốn khó khăn. Do đó, cần ưu tiên vốn cho các địa phương có hiệu quả kinh tế cao, lúc đó đồng tiền nợ công đảm bảo thu về, các địa phương cam kết trả được nợ.
Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐQT Agribank, đại biểu Hà Nội cũng cho rằng, cần phân định rõ ngân sách trung ương tập trung vào dự án gì, địa phương dự án nào vì nhiều địa phương không đủ ngân sách để bố trí cho các dự án được trung ương phân bổ. "Điều này nhằm tránh tình trạng hoàn thành kế hoạch nhưng không phải hoàn thành dự án", ông nói.
Chủ tịch Agribank cũng đề nghị, cần có cơ chế xử lý những người cố tình chây ì, không chấp hành giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp phép, đấu thầu... đang khiến nhiều dự án đầu tư công chậm tiến độ.
Gần 38.800 tỷ đồng cho cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2:
Tại tờ trình, Chính phủ trình Quốc hội thông qua danh mục và mức vốn bố trí cho 2 dự án chuyển tiếp, khởi công một dự án mới mà Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư là gần 65.800 tỷ đồng và 38.738 tỷ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2).
Số vốn 78.719 tỷ đồng còn lại để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, dự án trọng điểm khác, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án theo đúng quy định.
Chính phủ cũng trình 3 chương trình mục tiêu quốc gia với tổng số vốn ngân sách trung ương chi 100.000 tỷ đồng. Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài kế hoạch vốn các năm 2017, 2018 sang giai đoạn 2021-2025 số vốn gần 4.120 tỷ đồng của 12 dự án.
Anh Minh