Vợ chồng bà Ngọc Thu (68 tuổi, Ba Đình) là những khán giả đầu tiên tới xem vở diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam tại Nhà hát Lớn. Vốn yêu nghệ thuật, bà thường cùng chồng đi xem kịch, chèo, ca nhạc... Do dịch, sân khấu đóng cửa, bà phải từ bỏ thú vui giản đơn tuổi già. Nhận được tin Nhà hát Lớn mở cửa trở lại, bà nhờ con gái mua đôi vé dù đã xem Bệnh sĩ sáu lần, thuộc toàn bộ diễn biến. Bà cùng chồng ra ngoài ăn tối rồi ghé nhà hát xem kịch.
Bà nói: "Tôi háo hức như được đi trẩy hội vậy. Lần đầu tôi xem Bệnh sĩ cách đây gần 20 năm, hôm đó là kỷ niệm ngày cưới vợ chồng tôi". Bà và chồng được chị Anh - nhân viên soát vé của nhà hát - dắt vào tận hàng ghế. Chị Anh gắn bó công việc 20 năm qua, cho biết rất vui khi nghe tin về đêm diễn. Mặc dù mỗi năm cũng có thời gian nhà hát đóng cửa trùng tu nhưng việc ngừng hoạt động vì dịch bệnh là điều chưa từng xảy ra.
Cùng khán giả thủ đô, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng... đến động viên các nghệ sĩ trong đêm diễn đầu tiên. Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ kinh phí cho dự án 12 nhà hát đồng loạt sáng đèn, mong muốn kéo khán giả trở lại thói quen xem kịch.
Bên trong hậu trường, sau khi đón tiếp khách mời với tư cách phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Xuân Bắc lấy đồ trang điểm, tự vẽ râu lên mặt cho kịp giờ diễn. Anh vào vai Văn Sửu - cố vấn của chủ tịch xã Toàn Nha (nghệ sĩ Tuấn Hải). Nghệ sĩ vui mừng vì lâu lắm rồi, anh cùng các đồng nghiệp mới được sống trong không khí tất bật như vậy. Ở góc ngoài phòng hóa trang, nghệ sĩ Phú Đôn vui vẻ hàn huyên với đồng nghiệp Đình Chiến, Việt Thắng... Vừa chia tay Nhà hát Kịch Việt Nam hôm 14/5 để nghỉ hưu theo chế độ, anh lại được Xuân Bắc mời quay lại sân khấu, vào vai ông Thình.
20h, toàn bộ nhà hát không còn chỗ trống, sân khấu sáng đèn, các nghệ sĩ bước ra trong tiếng vỗ tay giòn giã từ khán giả. Bệnh sĩ là tác phẩm của cố tác giả Lưu Quang Vũ, xoay quanh câu chuyện đổi mới xã Hùng Tâm với những hành động giả dối, ưa hình thức... Ông Toàn Nha (nghệ sĩ Tuấn Hải) đổi tên xã Cà Hạ thành Hùng Tâm với quyết tâm "phấn đấu" thành xã công nghiệp. Từ đó, những người nông dân chân chất được mang danh hão: Chủ nhiệm Trung tâm Công nghệ, Đội trưởng Xây dựng kiến thiết, Chủ nhiệm Công ty Dịch vụ, Chủ nhiệm Trung tâm Xay xát... Tình huống mượn lớp học làm chuồng lợn, kho lông ngan, lông vịt làm nguyên liệu cho ngành sản xuất phất trần, phóng viên truyền hình đến quay phim và ông nhà văn Chu Văn rởm xuất hiện... khiến khán giả phì cười. Nghệ sĩ Xuân Bắc tương tác, kêu gọi khán giả vỗ tay ở phân đoạn nhân vật Văn Sửu hướng dẫn cách rao khi đi buôn lông gà, vịt. Vở kịch khép lại sau tiếng nổ "đoàng", do ông Toàn Nha trong lễ rước đuốc mừng công đã làm lửa bén vào kho thuốc pháo. Ông Toàn Nha bị thương, Văn Sửu và các xã viên cũng "te tua" vì trận nổ.
Cuối chương trình, khán phòng vẫn chật kín người. Khi các nghệ sĩ lên sân khấu chào khán giả, nhiều người xếp hàng tặng hoa, xin chụp ảnh. Xuân Bắc nói anh rớm nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh khán giả nán lại đến cuối vở diễn. "Là nghệ sĩ, hạnh phúc nhất được đứng trên sân khấu. Tôi hy vọng khán giả tiếp tục đến thưởng thức các đêm diễn trong chuỗi chương trình 'sáng đèn sân khấu'", anh nói.
Hiểu Nhân